Ngoài tăng vốn Nhà nước tại dự án giao thông đường bộ, cần có cơ chế để nhà đầu tư thấy được hiệu quả khi bỏ vốn, theo đại biểu Quốc hội.
Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù đầu tư dự án giao thông đường bộ. Theo dự thảo, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công – tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% so với quy định hiện nay.
Tại tổ TP HCM, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án giao thông theo hình thức PPP là hợp lý, vì số vốn thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư chiếm tỷ lệ rất cao. Do đó, việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước giúp dự án thu hút nguồn lực tốt hơn, giúp mở rộng không gian kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định, vốn Nhà nước tại các dự án PPP tối đa là 50%. Tuy nhiên từ khi luật này có hiệu lực (2020), nhiều dự án đầu tư cao tốc đều “tắc”, phải xem xét điều chuyển sang vốn đầu tư công.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, nhận xét việc tăng vốn góp của Nhà nước tại dự án PPP lên 70% giải quyết được vướng mắc về huy động vốn của dự án, nhưng điều nhà đầu tư quan tâm là hiệu quả dự án. Theo ông, dự án hiệu quả thì tư nhân sẵn sàng đầu tư với tỷ lệ cao, nên ngoài tăng vốn Nhà nước, cần có cơ chế để nhà đầu tư thấy được hiệu quả khi bỏ vốn.
Ngoài ra, ông Hùng đề nghị Chính phủ làm rõ, tỷ lệ vốn Nhà nước tăng thêm tại dự án PPP có gồm tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hay không.
Ở điểm này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khi phát biểu tại tổ cho rằng, việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án giao thông theo hình thức PPP lên tối đa 70% là cần thiết. Trước quan điểm, rằng việc nâng tỷ lệ này có tăng thu hút vốn đầu tư hay chưa, ông Thắng cho rằng “chưa thể đáp ứng”. Tuy nhiên, nếu chờ sửa Luật PPP sẽ mất thời gian, trong khi nhiều dự án hạ tầng giao thông cấp thiết cần đẩy nhanh để tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
“Tăng tỷ lệ vốn Nhà nước trước mắt sẽ tạo sức hút tốt hơn với dự án PPP, còn nếu giữ tỷ lệ 50% như hiện nay đang là hạn chế”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói.
Ông giải thích thêm, nhà đầu tư thường quan tâm hai điều kiện khi quyết định rót vốn vào dự án đường giao thông, là hiệu quả dự án và tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Hiện các nước đã tách được dự án giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng, tức khi nhà đầu tư tham gia vào dự án PPP thì được giao mặt bằng sạch, có sẵn.
Bộ trưởng Thắng cho hay, hiện chỉ dự án đầu tư giao thông thuộc nhóm A (có vốn trên 2.300 tỷ đồng) thực hiện được do thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Với các dự án còn lại phải chờ sửa Luật PPP, mới có thể tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng.
Về trao quyền cho địa phương đầu tư các dự án cao tốc đi qua nhiều tỉnh và dùng ngân sách triển khai các dự án, theo các đại biểu, sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các dự án giao thông vào vận hành, cũng như khai thác hiệu quả quỹ đất, linh hoạt trong sử dụng ngân sách.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Toàn băn khoăn, dự thảo Nghị quyết chưa rõ trách nhiệm, tiêu chí đưa ra để một địa phương được chọn làm chủ quản đầu tư với trường hợp như vậy.
“Dự án đi qua nhiều địa phương mà nhiều tỉnh cùng bố trí ngân sách, chuyển dự toán “dồn” sang cùng một nơi thì sẽ xử lý ra sao, chưa rõ tiêu chí chọn, trách nhiệm lãnh đạo địa phương”, ông Toàn nói và đề nghị Chính phủ rà soát, đưa ra cơ chế đảm bảo khả thi.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó bí thư thường trực tỉnh Vĩnh Long, đề nghị Chính phủ đánh giá năng lực điều hành với một số địa phương, nhất là nơi có dự án giao thông quy mô lớn. Bà lưu ý, chủ đầu tư phải có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực tốt nhất; các thủ tục hành chính cần được lược bỏ, tạo thuận lợi cho địa phương đầu tư ngân sách vào hạ tầng, liên kết vùng.
Cơ chế đặc thù khác được Chính phủ đề nghị là cho phép nhà đầu tư, nhà thầu thi công khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường để tránh giá bị đẩy lên cao, thiếu vật liệu xây dựng.
Chính sách này, theo bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn đại biểu Thừa Thiên Huế là mở thêm đối tượng áp dụng với nhà đầu tư, thay vì chỉ nhà thầu thi công như quy định hiện nay. Bà Sửu băn khoăn chưa rõ sự cần thiết bổ sung nhà đầu tư cũng được phép khai thác mỏ khoáng sản, có gì khác với nhà thầu thi công.
Mặt khác, việc quy định nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm đánh giá tác động môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường, theo Phó trưởng đoàn đại biểu Thừa Thiên Huế, là chưa đủ. Bởi, thực tế khai thác mỏ khoáng sản vừa qua để lại nhiều hệ lụy không tốt về môi trường.
“Ngoài yêu cầu nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ, phục hồi môi trường thì cần thêm chế tài xử lý nếu họ không thực hiện cam kết. Việc này nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu trong bảo vệ môi trường”, bà Sửu đề nghị.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cùng quan điểm, vì cho rằng nhà đầu tư ở đây được hiểu là người bỏ tiền vào dự án khai thác mỏ, chọn nhà thầu thi công.
“Tại sao lại cho cơ chế với người bỏ tiền ra đi khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng, đắp đường? Không có cơ sở khi mở rộng đối tượng với nhà đầu tư”, ông Toản góp ý.
Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Nghị quyết này tại nghị trường vào ngày 23/11 và biểu quyết thông qua ngày 28/11.