Nghe danh đã lâu, nay tôi mới có dịp ghé quán bún riêu của cô Xi, nằm trong con hẻm 571 đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10). Thực tế có như lời đồn?
Khách ăn phải… “tranh thủ”
Nghe người ta truyền tai nhau nếu tới quán của cô Xi trễ, rất có thể khách phải mang bụng đói ra về nên chỉ mới 11 giờ hơn, lúc quán vừa mở bán, chúng tôi đã có mặt. Bất ngờ, hàng dài khách đã ngồi đợi bà chủ.
Theo quan sát, đa phần khách ăn ở đây đều là hàng xóm, người dân sống trong hẻm cũng như nhân viên các văn phòng xung quanh đây, có người là khách quen đã mười mấy năm. Mùi thơm từ nồi nước lèo tỏa ra thơm phức một con hẻm nhỏ, nức mũi khiến bụng tôi có phần cồn cào.
Bà Dung (58 tuổi) đang thưởng thức phần bún riêu khoái khẩu. Thấy tôi lân la hỏi chuyện, vị khách cười tươi cho biết bà chủ bán bao nhiêu năm là bà ăn ngần ấy thời gian, bởi xưa giờ bà là cư dân sống trong con hẻm này.
“Ăn ở đây là phải tranh thủ à nha. Bà chủ bán, đắt thì 1 tiếng, ế thì 2 tiếng là hết sạch. Nếu mà tới trễ là hết, coi chừng bụng đói ra về hay không có phần mình thích. Đó là lý do mà trưa nào tôi cũng ra đây ăn đúng giờ. Ăn mấy chục năm nay, riết ghiền luôn”, bà Dung kể.
[CLIP]: Bún riêu TP.HCM ‘10.000 đồng cũng bán’, 1 tiếng hết sạch: Bà chủ không cần… nêm nếm.
Chỉ vào tô bún bà mua với giá 25.000 đồng, bà nói chủ quán ở đây rất dễ thương, khách mua 10.000 đồng, 15.000 đồng cũng bán. Bà mê nhất phần nước lèo có tôm khô ngọt nước và phần riêu cua được bà chủ chế biến đậm đà, ăn ngon “hết sẩy”.
Nghe bà Dung nói vậy, chúng tôi gọi món ngay. Ngon thiệt! Sợi bún dai mềm ăn với riêu cua, cà chua, tôm khô, đậu hũ ăn kèm rau sống, thêm nước lèo nóng hôi hổi, đậm đà ngập ngụa đúng là một trải nghiệm ẩm thực thú vị. Với giá cả và hương vị này, tôi chấm 8,5/10, chắc chắn là “quán ruột” của tôi trong thời gian tới.
Bụng no căng, tôi hỏi bà chủ: “Nấu ngon vậy, có bí quyết gì đặc biệt không cô?”. Nghe xong, cô Xi cười khoái, nói: “Làm gì có bí quyết gì đâu con ơi! Mình cũng nấu như bao người thôi. Hồi đó cô tự học, tự nấu, nghề dạy nghề mới có được công thức hoàn chỉnh như bây giờ. Bây giờ, cô nấu cũng không cần nêm nếm gì hết, vẫn vừa miệng khách, mình nấu quen rồi”.
Hết sớm
Nói là quán ăn, nhưng thực tế đó là gánh hàng nhỏ, với vài ba cái bàn và ghế nhựa để khách ngồi. Trời bất ngờ đổ mưa, lòng tôi thầm nghĩ: “Hôm nay chắc cô bán không hết sớm!”. Thế nhưng, tôi đã sai!
Trời mưa tầm tã, khách vẫn ghé nườm nượp, chưa tới 12 giờ, nồi nước lèo của bà chủ đã cạn dần. Vậy là hôm nay, bà chủ bán đắt, 1 tiếng hết. Nhiều khách tới trễ đành ngậm ngùi ra về.
Cô Xi mở quán ăn này ngót nghét gần 30 năm qua, để có thêm thu nhập nuôi 2 con và trang trải cho các chi phí trong gia đình. Cô cười tươi, nói không biết lý do vì sao mình chọn bán món này, chắc là do có duyên.
“Tôi chỉ nấu vừa đủ, bán mấy tiếng buổi trưa vì sức khỏe mình cũng hạn chế, bán đủ ăn, đủ sống chứ cũng không mong gì hơn. Thường, tôi sẽ nghỉ thứ bảy, chủ nhật và những ngày chay, còn trong tuần thì vẫn bán bình thường. Tôi không giao hàng, cũng không xài điện thoại nên nếu khách muốn ăn chỉ có thể tới trực tiếp”, bà chủ lưu ý.
2 người con của cô Xi giờ đã trưởng thành. Mỗi ngày, bà chủ lại lọ mọ từ 4 giờ sáng, chuẩn bị chỉn chu tất cả mọi thứ để kịp giờ bán. Nhưng cô không thấy cực, mà ngược lại vô cùng hạnh phúc khi được bán cho những vị khách suốt những năm qua tới ủng hộ mình.
Cô Xi nói rằng mình sẽ bán, tới khi nào không còn sức nữa thì thôi. Chỉ cần bán bằng cái tâm, bằng tình cảm của mình, bà chủ tin chắc một điều rằng ngày nào khách cũng sẽ đông…