Nếu cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc không có bước chuyển lớn thì không có lý do gì để các tập đoàn quốc tế đảo ngược chính sách “Trung Quốc+1″.
Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục giành được thị phần trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, đồng thời là nước thu hút lượng lớn vốn FDI.(Nguồn: Vietnam Insider) |
Trang báo mạng asiafundmanagers.com có trụ sở tại Đức, chuyên cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường vốn châu Á vừa đăng phân tích của bà Shasha Li Mafli – Nhà quản lý quỹ của Quỹ Chiến lược thịnh vượng Việt Nam, thuộc công ty quản lý quỹ Eric Sturdza Investments, trong đó cho rằng, “hiện là thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam”.
Theo bà Shasha Li Mafli, Việt Nam đang trải qua quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, đồng thời là nước hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng toàn cầu trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và gia công sản xuất, từ đó giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nếu cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc không có bước chuyển lớn thì không có lý do gì để các tập đoàn quốc tế đảo ngược chính sách “Trung Quốc+1”.
Tuy nhiên, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu và Trung Quốc. Nếu nền kinh tế toàn cầu và của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.
Chứng khoán Việt Nam đã hoạt động tốt hơn so với các thị trường mới nổi kể từ năm 2018. Động lực chính là nhờ Chính phủ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và theo đó tăng giải ngân mới cho nhiều dự án trọng điểm, cổ phiếu trong lĩnh vực vật liệu và năng lượng đã được hưởng lợi. Những lĩnh vực này sẽ tiếp đà tăng trưởng mạnh và được xếp hạng lại.
Ngoài ra, trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, đồng thời là nước thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hiện nay, cổ phiếu ngành bán lẻ và tiêu dùng mang đến cơ hội đầu tư tuyệt vời vì Việt Nam có dân số trẻ, mức lương tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Một lĩnh vực hấp dẫn khác là cơ sở hạ tầng vì các khoản đầu tư của chính phủ đang tạo cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực vật liệu và năng lượng.
Thị trường bất động sản cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Về dài hạn, quá trình đô thị hóa đang thúc đẩy nhu cầu về nhà ở giá rẻ tại thành phố; công nghiệp hóa đang thúc đẩy nhu cầu về đất công nghiệp và hiện đại hóa ngành bán lẻ đang làm tăng nhu cầu về bất động sản thương mại. Trong 6-8 tháng qua, lãi suất đã giảm, theo đó cải thiện tính thanh khoản và thúc đẩy nhu cầu về bất động sản.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp thị trường chứng khoán thành thị trường mới nổi trong năm 2025 và tăng vốn hóa thị trường lên 100% GDP từ mức 56% hiện nay.
Tham vọng kinh tế của Chính phủ ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường tài chính. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nền kinh tế và hy vọng rằng các chính sách hỗ trợ tăng trưởng vẫn sẽ được thực thi. Tính thanh khoản của thị trường đã được cải thiện và khối lượng giao dịch tăng.
Ở cấp độ tài chính, nợ công chiếm 37% GDP. Điều này sẽ cho phép chính phủ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khi FDI, đặc biệt vào lĩnh vực sản xuất, vẫn tăng mạnh và có tác động tích cực đến tăng trưởng và việc làm.