Ghé phố sủi cảo hay Phố ẩm thực Hà Tôn Quyền (Q.11, TP.HCM) vào mỗi buổi chiều tối, giữa những quán sủi cảo san sát nhau không khó để bắt gặp Thiên Thiên, một trong những quán sủi cảo đông đúc khách bậc nhất khu Chợ Lớn.
Từ một quán… hủ tiếu mì người Hoa
Tối tối, Phố sủi cảo Hà Tôn Quyền lên đèn, nhộn nhịp. Tôi ghé một quán sủi cảo của Thiên Thiên nằm ở số 171 đường Hà Tôn Quyền, nơi chị Nguyễn Thị Hồng Loan (39 tuổi) quản lý. Chị hoạt bát, hài hước, nhanh nhảu tiếp hết lượt khách này tới lượt khách khác ghé ủng hộ.
Chị Loan, là con dâu độc nhất của bà Nhâm Lang (72 tuổi), một người phụ nữ gốc Hoa đứng sau thương hiệu sủi cảo lâu đời trên con đường này. Gia đình cho biết quán ăn này được cụ bà mở hơn 30 năm trước.
Trước đó, cụ Nhâm Lang có nhiều năm bán cháo gà, gỏi gà, bì cuốn ở khu Chợ Lớn. Sau đó, cha bà truyền lại cách làm hủ tiếu mì, sủi cảo theo công thức gia truyền của gia đình, đậm nét văn hóa ẩm thực người Hoa.
“Sau đó, tôi mới mở bán hủ tiếu mì, bán phụ thêm món sủi cảo trong nhà hẻm ở đường Hà Tôn Quyền này đây, chỉ là quán nhỏ do người tốt bụng thấy bà khó khăn nên cho bán nhờ nhà họ.
Nhưng mà, khách ăn sủi cảo càng ngày càng đông, đông quá, gia đình tôi mới chuyển qua bán món này chính luôn. Hồi đó, 5.000 – 6.000 đồng một tô, giờ mấy chục ngàn rồi”, cụ bà người Hoa, không sỏi tiếng Việt kể lại.
Từ quán ăn nhỏ, sau 3 thập kỷ phát triển, hiện tại, gia đình bà Nhâm Lang đã có tận 8 quán sủi cảo ở khu vực này. Chị Loan cho biết mẹ chồng mình có 5 người con, 4 gái, 1 trai. Cả đại gia đình hiện tại hơn 20 người cùng chia nhau quản lý, buôn bán các quán sủi cảo ở khu Hà Tôn Quyền này.
Về làm dâu năm 2009, cũng là năm chị chính thức bắt đầu phụ mẹ chồng, gia đình chồng buôn bán sủi cảo. Với chị, quán ăn này đã nuôi sống cả một đại gia đình của mình suốt từ đó đến nay, nên chị vô cùng biết ơn mẹ chồng, biết ơn khách bao năm qua ghé ủng hộ.
Anh Nguyễn Hoàng Lâm, cháu ngoại của cụ Nhâm Lang thì kể thêm về bà của mình, rằng ngày trước cụ có cuộc sống khó khăn. Để có được cơ ngơi như hôm nay là sự cố gắng không ngừng nghỉ của ông bà ngoại anh.
[CLIP]: Quán sủi cảo của gia đình chị Loan ở Phố ẩm thực Hà Tôn Quyền.
“Nhờ cái quán sủi cảo đầu tiên mà ân nhân cho bà tôi bán, mới có 8 quán sủi cảo của hôm nay. Gia đình tôi biết ơn, đến bây giờ vẫn trả ơn cho ân nhân đó. Tôi được bà thương nhiều, nếu không nhờ bà nuôi nấng, dạy dỗ, tôi sẽ không có cuộc sống như bây giờ”, anh Lâm xúc động.
105.000 đồng/tô mắc nhất
Theo lời chủ quán, sở dĩ sủi cảo ở đây được khách chuộng, nhiều người là khách “ruột” suốt mấy chục năm, là vì công thức gia truyền được giữ nguyên từ xưa tới nay không thay đổi. Chưa kể, các nguyên liệu ở đây tươi ngon, mỗi ngày mỗi mới và cách phục vụ khách bằng cái tâm.
“Hồi xưa gia đình tôi bán, sau này nhiều quán mở thêm, mở thêm thành phố sủi cảo như bây giờ. Nhưng quán tôi có một lượng khách quen ổn định, cái quan trọng chính là cách phục vụ khách, cách đối đãi với khách”, chị nói.
Sủi cảo có hương vị được khách đánh giá cao.
Ở tuổi 72, cụ Nhâm Lang vẫn còn tâm huyết và dành tình yêu đặc biệt với sủi cảo, vẫn cùng con cháu trong nhà buôn bán. Có hôm, bà qua quán này, có hôm, bà lại đến quán kia. Những quán ăn chính là cơ ngơi mà cuộc đời bà đã cố gắng gây dựng.
Quán cho biết dù ngày nay có nhiều máy móc làm sủi cảo, nhưng quán vẫn làm mọi thứ thủ công, bằng tay để đạt được độ mong muốn. Mỗi phần ăn ở đây có giá dao động từ 60.000 đồng – 90.000 đồng tùy lựa chọn của khách. Trong đó, phần đặc biệt nhất là mì sủi cảo thập cẩm 3 vắt có giá 105.000 đồng.
Có gì trong tô bún riêu gạch cua nhồi thịt nức tiếng khu Hà Tôn Quyền?
Anh Phùng Hạo (27 tuổi, ngụ Q.5) cho biết mình hay ăn quán sủi cảo ở quán gia đình chị Loan vì hợp vị. Mỗi lần đón bạn bè từ xa đến, hoặc dẫn người thân ở nước ngoài về thăm, anh đều dẫn tới đây.
“Món ăn ở đây tinh tế, đậm đà, thích nhất nước chấm ăn kèm. Thêm nữa ngoài sủi cảo tôi cũng thích món mì nước ở đây. Lâu lâu, tôi cũng ăn những quán bên cạnh, nhưng số lần ăn ở Thiên Thiên thì nhiều hơn. Quán quá nổi tiếng rồi!”, anh nói.