Theo kết luận điều tra của CQĐT Bộ Công an, quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.
4 nhóm này gồm: Nhóm định chế tài chính Việt Nam (gồm: NH SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú), trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát;
Nhóm Công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên như Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông…);
Nhóm các công ty được gọi là “công ty ma” tại Việt Nam (được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…);
Nhóm mạng lưới công ty tại nước ngoài: Bà Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” đầu tư vào Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Trương Mỹ Lan ở nước ngoài.
CQĐT xác định, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm bị can ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, nhận chuyển nhượng, sử dụng hàng nghìn pháp nhân để đứng tên khoản vay; chuyển hoặc nhận tiền từ nước ngoài; Phát hành trái phiếu; Đứng tên dự án; Cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Trong đó có một số lượng lớn “công ty ma” được thành lập không có hoạt động kinh doanh mà chỉ để đứng tên khoản vay tại Ngân hàng SCB, lập các phương án vay vốn khống, hợp thức hóa rút tiền của SCB để bà Trương Mỹ Lan sử dụng.
Bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê, nhờ hàng nghìn cá nhân để đứng tên khoản vay tại Ngân hàng SCB, đứng tên đại diện pháp luật “công ty ma”, đứng tên tài sản đảm bảo, đứng tên cổ phần, mở tài khoản nhận tiền, rút tiền mặt, phục vụ cho các mục đích của bà Trương Mỹ Lan.
Với chủ trương lợi dụng hoạt động của Ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Tập đoàn và các công ty trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần của các NH này để thao túng hoạt động, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Trong đó, từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bà Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên 32 cổ đông; 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.
Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 1/1/2012, với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), bà Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của NG SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1/1/2018.
Thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB tại thời điểm ngày 30/6/2017 rất xấu, bản chất tại thời điểm này Ngân hàng SBC đã âm vốn chủ sở hữu, nhưng do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đối tượng tại SCB bưng bít, báo cáo không trung thực và dùng thủ đoạn mua chuộc các cán bộ thanh tra, để họ che giấu, báo cáo không trung thực về thực trạng của Ngân hàng SCB.
Tinh vi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB
CQĐT xác định, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện được hành vi rút, chiếm đoạt tiền từ SCB thông qua thủ đoạn vay, có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá. Những người này đã thông đồng với các đối tượng tại SCB để phát hành các chứng thư thẩm định giá để hợp thức các hồ sơ vay vốn của nhóm bà Trương Mỹ Lan- Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Để rút được tiền của SCB, ngoài việc sử dụng các “công ty ma”, bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm còn dùng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần.
Ngoài thủ đoạn rút ruột NH SCB bằng tiền, bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo đồng phạm rút ruột NH SCB bằng việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi NH SCB để sử dụng cho các mục đích của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Để hợp thức việc rút tiền sử dụng cho các mục đích của mình, tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, có điều kiện truy vết theo dòng tiền để phát hiện sai phạm, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi rất tinh vi.
Cụ thể, bà Lan chỉ đạo đồng phạm sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của các cá nhân, pháp nhân “ma” để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống của NH SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Do các sai phạm kể trên khiến nợ gốc và lãi tại SCB ngày càng phình ra, dẫn đến việc phải hạch toán nợ xấu nhóm 5. Để che giấu một phần nợ xấu, giảm dư nợ tín dụng và có thể tiếp tục cho vay, giải ngân theo các hồ sơ “khống” của các “công ty ma”, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của SCB, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã bán nợ xấu cho VAMC và bán trả chậm cho chính các “công ty ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập.
Bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng
Theo CQĐT, từ 1/1/2018 – 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền, chiếm đoạt của NH SCB, đến nay các khoản vay này còn nợ hơn 545.039 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 415.666 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của bà Lan. Tuy nhiên CQĐT xác định nhiều tài sản còn lại bảo đảm cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan có giá trị, hiện NH SCB đang theo dõi quản lý. Do vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, CQĐT xác định trách nhiệm của bà Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi tham ô tài sản của bà Lan còn gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng.
Đây là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên. CQĐT cũng làm rõ, từ năm 2012- 2022, các đối tượng tại SCB và các đối tượng liên quan khác đã cho vay trái quy định, đến nay không có khả năng thu hồi số tiền hơn 677.286 tỷ đồng nợ gốc, nợ lãi hơn 193.315 tỷ đồng.