Theo chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự án Luật này được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV với nhiều lượt ý kiến tham gia phát biểu.
Đặc biệt, nội dung liên quan tới nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.
Theo bản dự thảo Luật mới nhất, tại Khoản 1 Điều 9 nêu nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Nêu căn cứ đề xuất này, Bộ Công an – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật – cho biết, Bộ Công an, Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về: “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ”, lấy ý kiến các chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn của Việt Nam.
Kết quả cho thấy: Rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia.
Trong đó, Bộ Công an nêu những con số đáng báo động về tác tại của rượu, bia như: Từ tháng 6.2022 đến tháng 12.2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.
Từ năm 2018 đến năm 2023, số nạn nhân cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh do, có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%).
Theo thống kê, tỉ lệ số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ do có liên quan đến rượu, bia cao hơn tỉ lệ số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não nói chung (13,9%);
Cũng theo Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả.
Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.
Cũng theo Bộ Công an, hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
“Với các lý do nêu trên và tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp” – Bộ Công an nêu.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/bo-cong-an-neu-can-cu-de-xuat-cam-dieu-khien-phuong-tien-khi-co-nong-do-con-1340637.ldo