Dù GDP quý I yếu hơn dự kiến, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá nền kinh tế này đang “đạt đỉnh” và không có dấu hiệu tăng nóng.
Trong buổi phỏng vấn với Reuters hôm 25/4, bà Yellen khẳng định: “Nền kinh tế rõ ràng đang diễn biến rất tốt. Tôi không thấy dấu hiệu quá nóng. Thị trường việc làm hiện tại là mạnh nhất 50 năm”.
Nhận định của bà Yellen đưa ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay lên 2,7% – tăng 0,6% so với dự báo hồi tháng 1. Động thái này cho thấy Mỹ đang bỏ xa các nền kinh tế tiên tiến khác năm nay, đặc biệt là châu Âu.
“Kinh tế Mỹ vẫn đang quá nóng, phản ánh qua tăng trưởng việc làm, năng suất lao động và nhu cầu mạnh. Chúng tôi kêu gọi Fed thận trọng khi nới lỏng tiền tệ và nên làm điều này một cách từ từ”, kinh tế trưởng tại IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận xét.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế này tăng trưởng 1,6% trong quý I. Đây là tốc độ chậm nhất trong 2 năm qua.
Bà Yellen cho biết số liệu này “không đáng ngại”. Bà khẳng định các yếu tố nền tảng vẫn vững mạnh. Tăng trưởng tại Mỹ vẫn tốt, bất chấp lạm phát cao, lãi suất tăng và căng thẳng địa chính trị. Thị trường việc làm đã tăng trưởng 3 năm liên tiếp, giúp tiêu dùng luôn sôi động.
Năm ngoái, lạm phát tại Mỹ giảm nhanh. Quá trình này năm nay chững lại, do giá xăng, giá nhà và dịch vụ tăng cao. Tuy nhiên, Yellen cho rằng đây không phải là dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng tốc trở lại.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ dự báo tiền thuê nhà tại đây sẽ bình ổn cho đến cuối năm. Thị trường việc làm cũng không quá nóng đến mức gây sức ép tăng lương – vốn là một nguyên nhân kéo lạm phát lên cao.
“Tôi cho rằng các yếu tố nền tảng vẫn đang diễn biến theo hướng lạm phát sẽ dần bình thường hóa”, Yellen cho biết. Bên cạnh đó, lạm phát đi xuống cũng chưa chắc kéo theo tỷ lệ thất nghiệp lên cao.
Tuần tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp chính sách. Thị trường kỳ vọng cơ quan này tiếp tục giữ nguyên lãi suất.
Dù vậy, Yellen cho rằng kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài. Đó là chiến sự tại Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông và quan hệ Mỹ – Trung Quốc xuống cấp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết Mỹ, G7 và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang thảo luận cách xử lý hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng để giúp Ukraine. Hai trong các cách họ đang thảo luận là tịch thu hoàn toàn, hoặc chỉ dùng tiền lãi sinh ra từ các khoản này.
Yellen cũng đề cập đến Trung Quốc, khi nhắc lại lo ngại đầu tháng này về việc dư thừa sản xuất trong các ngành quan trọng như xe điện và năng lượng sạch. Bà cho rằng việc này sẽ có tác động lan truyền đến cả Mỹ và nhiều nước khác.
“Đây không chỉ là vấn đề của Mỹ, mà còn là của châu Âu, Nhật Bản và các nước mới nổi như Ấn Độ, Mexico. Chúng ta không phải là nước duy nhất lo ngại việc thị trường ngập trong hàng hóa”, bà nói.
Yellen lấy ví dụ giữa những năm 2000, việc Trung Quốc dư thừa pin năng lượng mặt trời đã kéo giá sản phẩm này xuống, gây tổn hại cho ngành pin năng lượng mặt trời Mỹ và nhiều nước khác. Dù hiện tại, Mỹ chưa đưa ra động thái đáp trả, bà khẳng định “sẽ không loại trừ phương án nào”.
Hà Thu (theo Reuters)