Thí sinh trải nghiệm chatbot AI tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN
Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động triển khai các giải pháp ứng dụng chat tự động (chatbot) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng ngành nghề.
Tính điểm, gợi ý đặt nguyện vọng
Các trường đã phát triển và đưa vào sử dụng các ứng dụng chatbot AI trợ lý ảo trực tuyến có khả năng phản hồi tự động, linh hoạt theo từng ngữ cảnh người dùng. Đáng chú ý chatbot có thể gợi ý những ngành học phù hợp với mức điểm, giúp thí sinh đưa ra lựa chọn nguyện vọng có cơ hội trúng tuyển cao.
Hệ thống trợ lý ảo chatbot AI - VAA-BOT của Học viện Hàng không Việt Nam vừa được đưa vào sử dụng để hỗ trợ thí sinh tiếp cận thông tin xét tuyển nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. Chatbot AI VAA-BOT hoạt động liên tục 24/7 trên website chính thức của học viện, có khả năng giải đáp bất cứ thắc mắc nào của thí sinh liên quan đến tuyển sinh, ngành học...
Theo ThS Nguyễn Minh Tùng, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam, VAA-BOT được tích hợp công nghệ AI và khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho phép chatbot hiểu các câu hỏi đa dạng của người dùng, từ đó đưa ra câu trả lời phù hợp theo từng ngữ cảnh. Toàn bộ thông tin về ngành học, phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu, học phí, học bổng, ký túc xá... đều được hệ thống cập nhật thường xuyên và phản hồi ngay cho người hỏi.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đã triển khai hệ thống chatbot AI tư vấn tuyển sinh hoạt động 24/7, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác về điểm chuẩn các năm, tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển và cơ hội nghề nghiệp.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hệ thống này do sinh viên và giảng viên nghiên cứu phát triển, giúp giảm tải cho bộ phận tư vấn và nâng cao trải nghiệm người dùng trên nền tảng số.
"Không chỉ cung cấp thông tin, chatbot còn hỗ trợ thí sinh lựa chọn ngành đăng ký phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển. Nhờ vào nguồn dữ liệu phong phú và khả năng phân tích nhanh chóng, hệ thống giúp các bạn mở rộng góc nhìn và có thêm lựa chọn tham khảo về ngành học phù hợp với năng lực và định hướng cá nhân", ông Nhân nói.
Đa nền tảng, tích hợp dữ liệu sâu
Chatbot HUTECH AI của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ra mắt vào đầu tháng 4-2025 có hàng chục ngàn lượt truy cập mỗi tháng. Cách thức sử dụng của chatbot AI này tương tự các chatbot AI phổ biến khác như ChatGPT, Gemini... hoàn toàn miễn phí mà không cần đăng ký/đăng nhập tài khoản.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chatbot AI của trường là công cụ cho phép người dùng dễ dàng tra cứu các thông tin về định hướng ngành nghề phù hợp; các phương thức xét tuyển; thời gian và cách nộp hồ sơ; chính sách học phí và học bổng; chương trình đào tạo, môi trường học tập, tiềm năng nghề nghiệp của hơn 60 ngành học...
"Chatbot này được xây dựng trên nền tảng Multi Agen, nội dung trả lời được cập nhật và xác lập các tình huống giao tiếp liên tục nên nội dung cung cấp khá mượt, "có trí nhớ tốt" vì có thể ghi nhớ rất nhiều tình huống. Chatbot được hiển thị trực tiếp trên web chủ của trường, có giao diện độc lập, hệ quản trị có thể trích xuất, theo dõi, ghi nhận vấn đề của người hỏi, nhận diện được người hỏi để hỗ trợ chuyên sâu khi cần", ông Anh chia sẻ.
Chatbot AI - trợ lý ảo tuyển sinh của Trường ĐH Công Thương TP.HCM - tích hợp các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) cùng công nghệ truy xuất thông tin hiện đại (RAG), hoạt động không gián đoạn 24/7 trên các nền tảng phổ biến như Zalo, Facebook Messenger.
ThS Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho biết: "Chatbot AI có khả năng phản hồi tự động, chính xác các câu hỏi xoay quanh thông tin tuyển sinh, học phí, phương thức xét tuyển, ngành học, học bổng, đời sống sinh viên... giúp đơn giản hóa quy trình tìm kiếm thông tin cho thí sinh và phụ huynh. Cơ sở dữ liệu cũng liên tục được cập nhật và mở rộng, tích hợp các nguồn chính thống cùng hệ thống hỏi - đáp thực tế với hơn 5.000 mục thông tin".
Đại học Kinh tế TP.HCM cũng đã đưa vào hoạt động trợ lý ảo UEH AI Chatbot, một giải pháp ứng dụng AI giúp tự động hóa quy trình tư vấn tuyển sinh, hỗ trợ phụ huynh, học sinh giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến ngành nghề và quá trình học tập tại trường 24/7.
ThS Lê Thị Hạnh An - phó trưởng ban truyền thông và phát triển đối tác UEH - chia sẻ: "UEH AI Chatbot vận hành dựa trên các kịch bản câu hỏi - câu trả lời được xây dựng và thiết lập sẵn, nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho người học.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nội dung phản hồi chưa phù hợp với nhu cầu cụ thể, hệ thống sẽ tự động chuyển tiếp người dùng đến hệ sinh thái chăm sóc người học của UEH hoặc kết nối trực tiếp với tổng đài viên để đảm bảo mọi thắc mắc đều được giải đáp kịp thời, đầy đủ và chính xác".
Giải đáp mọi thắc mắc 24/7
Nguyễn Thị Tú Uyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM, cho biết: "Em thường tìm hiểu, tra cứu các thông tin tuyển sinh vào ban đêm nên rất khó liên hệ với thầy cô hay fanpage để được tư vấn và trả lời ngay. Bản thân em cũng còn khá đắn đo trong việc lựa chọn ngành nghề hay trường phù hợp.
Với người bạn AI chatbot này, em đã được giải đáp mọi thắc mắc 24/7, các thông tin do trường tổng hợp cung cấp rất chi tiết, gãy gọn và dễ hiểu. Điều này rất tiện lợi và giúp em định hướng bản thân trong tương lai".
Nền tảng tham quan ảo
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng đã vận hành hệ thống trợ lý ảo tích hợp AI - HCMUTE Chat AI - do sinh viên và cựu sinh viên nghiên cứu phát triển. Công cụ có khả năng phản hồi chính xác các câu hỏi về thông tin tuyển sinh, ngành đào tạo, chương trình học... một cách linh hoạt và liên tục 24/7.
Đặc biệt, công cụ này tích hợp nền tảng tham quan ảo VR 360, kết nối hệ thống video, hình ảnh và tổng đài tư vấn, tạo nên một trải nghiệm toàn diện cho học sinh và phụ huynh khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bung-no-chatbot-ai-tu-van-xet-tuyen-dai-hoc-20250711230350267.htm
Bình luận (0)