Các nguồn tin cho biết ông Esmail Qaani đã gặp mặt đại diện của nhiều nhóm vũ trang tại cảng hàng không Baghdad vào ngày 29 tháng 1, chưa đầy 48 giờ sau khi Washington cáo buộc các nhóm này đã tấn công dẫn tới vụ việc 3 binh lính Mỹ thiệt mạng tại tiền đồn Tower 22 tại Jordan.
Ông Qaani là người kế vị một sĩ quan thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào cảng hàng không trên vào thời điểm bốn năm trước. Mười người trong số các nguồn tin cho biết trước các nhóm vũ trang, ông đã khẳng định việc khiến binh lính Mỹ đổ máu sẽ mang lại rủi ro đối mặt với phản hồi dữ dội từ Mỹ.
Các nguồn tin cho biết ông cho rằng các nhóm dân quân nên kiềm chế, nhằm tránh dẫn tới các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào sĩ quan cấp cao của họ, các vụ tấn công phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng hay thậm chí đối đầu trực diện với Iran.
Mặc dù một tổ chức ban đầu không đồng tình với yêu cầu của ông Qaani, phần lớn các nhóm khác đã chấp thuận. Ngày hôm sau đó, tổ chức vũ trang tinh nhuệ Kataib Hezboillah đã tuyên bố sẽ tạm ngừng các cuộc tấn công.
Đã không có vụ tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ nào xảy ra tại Iraq và Syria kể từ ngày 4/2 tới nay, so với hơn 20 vụ tấn công trong vòng hai tuần trước khi ông Qaani có chuyến viếng thăm, và những vụ tấn công này đã góp phần vào nâng cao tình trạng bạo lực từ các tổ chức phản đối cuộc chiến tại Gaza của Israel.
Một sĩ quan cấp cao của một tổ chức vũ trang Iraq thân Iran cho biết: “Nếu như không có sự can thiệp trực tiếp của ông Qaani, việc thuyết phục Kataib Hezbollah ngừng hoạt động quân sự và xuống thang mức độ căng thẳng trong khu vực đã gần như bất khả thi”.
Ông Qaani và lực lượng Quds – một chi nhánh của Đoàn Vệ binh Cách mạng Iran làm việc với các tổ chức vũ trang đồng minh tại các nước từ Lebanon tới Yemen – đã không lập tức phản hồi yêu cầu bình luận về các tiến triển này. Kataib Hezbollah và một tổ chức khác đã không thể được liên lạc để yêu cầu bình luận. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc của Mỹ cũng không có phản hồi lập tức.
Chuyến viếng thăm của ông Qaani đã được nhắc tới trên truyền thông Iraq nhưng chi tiết về thông điệp của ông và mức độ ảnh hưởng của thông điệp này tới giảm thiểu các cuộc tấn công đã không được báo cáo rõ.
Trong bài viết này, Reuters đã nhận được thông tin từ ba quan chức Iran, một quan chức an ninh cấp cao của Iraq, ba chính trị gia dòng Shia của Iraq, bốn nguồn tin từ các tổ chức vũ trang thân Iran của Iraq và bốn nhà ngoại giao về Iraq.
Đàm phán Mỹ-Iraq được nối lại
Sự thành công rõ rệt của chuyến viếng thăm này đã thể hiện rõ tầm ảnh hưởng mà Iran có được trước các nhóm vũ trang của Iraq, thông qua liên tục xen kẽ giữa tạo áp lực và giảm căng thẳng để theo đuổi mục tiêu đẩy lực lượng Mỹ khỏi Iraq.
Năm nguồn tin cho biết Chính phủ tại Baghdad, một đồng minh hiếm có của cả Tehran và Washington, đang cố gắng ngăn chặn khả năng quốc gia này một lần nữa trở thành chiến trường của các thế lực ngoại quốc và đã yêu cầu Iran giúp kiểm soát các tổ chức vũ trang sau khi xảy ra vụ tấn công tại Jordan.
Khi được yêu cầu xác nhận về chuyến viếng thăm của ông Qaani và yêu cầu hỗ trợ kiểm soát các tổ chức vũ trang của Iraq, cố vấn ngoại vụ của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani cho biết ông Sudani “đã làm việc với các bên liên quan cả trong và ngoài Iraq, cảnh báo họ” rằng hành động leo thang “sẽ gây mất ổn định cho Iraq và toàn khu vực”.
Một chính trị gia theo dòng Shia thuộc Chính phủ liên hiệp cầm quyền cho biết cuộc tấn công “đã mang chiều hướng có lợi cho chính phủ Iraq”. Theo sau tình hình giảm bớt hành vi gây hấn sau đó, vào ngày 6 tháng 2, các thảo luận với Mỹ về khả năng chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại Iraq đã được nối lại.
Nhiều đảng và tổ chức vũ trang thân Iran tại Iraq cũng ưa chuộng lựa chọn đàm phán thay vì bạo lực để chấm dứt sự hiện diện của binh lính Mỹ tại đây. Washington trước đó cũng đã không chấp nhận thương lượng về thay đổi vị thế quân sự của mình vì lo ngại quyết định này có thể khuyến khích cho Iran lấn sân.
Mỹ hiện tại điều động khoảng 2,500 binh lính tại Iraq và 900 binh lính tại Syria theo sứ mệnh cố vấn và hỗ trợ. Lực lượng này là một phần trong liên hiệp quốc tế được điều động trong năm 2014 nhằm chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng, chủ yếu là tại miền Tây Iraq và miền Đông Syria.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về chuyến viếng thăm của ông Qaani tại Baghdad, cho biết sự hiện diện của Mỹ tại Iraq sẽ chuyển giao sang giai đoạn “quan hệ an ninh song phương bền vững”.
Một quan chức Mỹ thừa nhận vai trò của Iran trong việc giảm thiểu các cuộc tấn công nhưng cũng cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu mức giảm thiểu này có bền vững lâu dài hay không.
Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho biết: “Chúng tôi cần chứng kiến nhiều nỗ lực hơn trong khu vực” từ phía Iraq nhằm kiểm soát các nhóm dân quân, và nhận định chỉ có một số ít cá nhân đã bị bắt giữ sau khi xảy ra vụ nã pháo cối vào đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
An ninh tại cảng hàng không
Một nguồn tin an ninh của Iraq cho biết trong khi Iran chuẩn bị cho biện pháp phản hồi của Mỹ về vụ tấn công tại Jordan, ông Qaani đã giữ cho chuyến viếng thăm có thời lượng ngắn và đã không rời khỏi sân bay “vì lý do an ninh nghiêm ngặt và lo ngại về sự an toàn của mình”.
Vụ không kích trong năm 2020 dẫn tới sự thiệt mạng của cựu lãnh đạo lực lượng Quds ông Qassem Soleimani bên ngoài cảng hàng không này đã được thực hiện sau khi xảy ra một vụ tấn công mà Washington cũng cáo buộc trách nhiệm cho Kataib Hezbollah dẫn tới một nhà thầu người Mỹ thiệt mạng, châm ngòi cho lo ngại về chiến tranh toàn khu vực. Bên cạnh ông Soleimani, vụ tấn công này cũng khiến cựu lãnh đạo Kataib Hezbollah ông Abu Mahdi al-Muhandis thiệt mạng.
Chín nguồn tin cho biết cả Tehran và Baghdad đều mong muốn tránh khỏi xảy ra diễn biến leo thang tương tự trong lần này.
Nguồn tin an ninh cấp cao của Iraq cho biết: “Iran đã học được bài học khi mất đi ông Soleimani và họ không muốn lặp lại vụ việc tương tự”.
Một quan chức an ninh cấp cao của Iran cho biết: “Chuyến viếng thăm của chỉ huy Qaani đã mang lại nhiều thành công, nhưng không triệt để, vì không phải tổ chức nào của Iraq cũng đã chấp nhận xuống thang”. Một tổ chức nhỏ nhưng hoạt động mạnh, Nujaba, khẳng định sẽ tiếp tục tấn công, với quan điểm cho rằng lực lượng Mỹ sẽ chỉ rời khỏi khu vực khi đối mặt với vũ lực.
Hiện vẫn chưa rõ liệu diễn biến giảm thiểu tấn công này sẽ kéo dài tới đâu. Một tổ chức đại diện cho các phe phái mang đường lối cứng rắn đã cam kết sẽ tiếp tục hoạt động sau khi Mỹ tiêu diệt lãnh đạo cấp cao của Kataib Hezbollah ông Abu Baqir al-Saadi tại Baghdad vào ngày 7 tháng 2.
Ông Saadi cũng từng là thành viên Lực lượng Cơ giới Nhân dân (PMF), một cơ quan an ninh quốc gia chủ yếu gồm các tổ chức vũ trang dòng Shia thân Iran chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng, thể hiện rõ mức độ gắn kết giữa các tổ chức vũ trang được Iran hậu thuẫn với nhà nước Iraq.
Lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã tới Iraq và lật đổ cựu lãnh đạo Saddam Hussein trong năm 2003, trước khi rút quân vào năm 2011.
Các tổ chức vũ trang dòng Shia từng tấn công lực lượng Mỹ theo sau chiến dịch năm 2003 sau đó đã chiến đấu cùng với binh lính Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng trước khi nhà nước này bại trận về mặt lãnh thổ.
Trong những năm sau đó, những vụ va chạm ăn miếng trả miếng với những binh lính Mỹ còn ở lại đã liên tục leo thang cho tới khi xảy ra sự kiện Mỹ tiêu diệt ông Soleimani và Muhandis.
Những vụ sát hại này đã khiến Quốc hội Iraq bỏ phiếu đẩy lùi lực lượng nước ngoài. Chính phủ của Thủ tướng Sudani đã cầm quyền vào tháng 10 năm 2022 với hứa hẹn sẽ thực hiện mục tiêu này, tuy nhiên các quan chức chính phủ cho biết đây đã không được coi là ưu tiên chính.
Tình hình này đã thay đổi theo sau khi nổ ra cuộc chiến tại Gaza.
Hàng loạt các vụ tấn công và các lượt phản hồi của Mỹ, bao gồm quyết định tiêu diệt lãnh đạo cấp cao của Nujaba tại Baghdad vào ngày 5 tháng 1, đã khiến ông Sudani tuyên bố liên hiệp này đã trở thành “nam châm hút tình trạng bất ổn” và cần phải chủ động đàm phán.
Ông đã mở cửa cho sự hiện diện lâu dài của Mỹ dưới dạng thỏa thuận song phương.
Các quan chức Iraq cho biết họ mong rằng tình trạng giảm thiểu tấn công hiện tại sẽ kéo dài để các đàm phán – có khả năng sẽ kéo dài nhiều tháng hoặc hơn nữa – có thể đi tới kết luận.
Trong đám tang ông Saadi, quan chức cấp cao của Kataib Hezbollah và lãnh đạo quân đội PMF ông Abdul Aziz al-Mohammedawi đã cam kết sẽ phản hồi cho các vụ sát hại gần đây, nhưng đã không tuyên bố gây bạo lực trở lại. Ông cho biết các phản hồi sẽ được quyết định theo sự nhất trí của các bên, bao gồm với Chính phủ.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)