Canada sẽ giảm mạnh số lượng du học sinh đến nước này, giảm số lượng việc làm dành cho sinh viên quốc tế bậc sau đại học, nhằm kiềm chế tác động của dòng người nhập cư.
Chính sách được Bộ Di trú Canada (IRCC) công bố hôm 22/1, có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài hai năm. Số du học sinh được cấp phép vào nước này năm 2024 còn 360.000, giảm 35% so với năm trước.
Bộ trưởng Di trú Marc Miller cho hay chính phủ sẽ đưa ra một mức trần với các tỉnh và vùng lãnh thổ. Đơn xin giấy phép du học nộp cho cơ quan này sẽ cần thư chứng thực của địa phương.
Ngoài ra, từ ngày 1/9, sinh viên đăng ký học các chương trình được cung cấp thông qua quan hệ đối tác công – tư sẽ không còn đủ điều kiện để được cấp giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP) nữa. Mô hình này là một trường công lập tiếp nhận sinh viên quốc tế, rồi gửi họ đến một trường tư có liên kết để đào tạo. Trường đại học tư trả một khoản phí cho trường công lập, còn sinh viên quốc tế nhận được bằng đại học công lập để đăng ký PGWP.
Giấy phép lao động cũng không được cấp cho vợ/chồng của sinh viên quốc tế ở bậc đại học như trước, nhưng vẫn áp dụng với sinh viên sau đại học.
Một điểm mới là những người học thạc sĩ và các chương trình sau đại học ngắn hạn khác sẽ được cấp phép ở lại làm việc ba năm sau tốt nghiệp, thay vì tính theo thời gian của chương trình học.
Canada siết cấp giấy phép nhập học với sinh viên quốc tế, trong bối cảnh số người nhập cư tăng. Theo Cơ quan thống kê Canada (Statcan), trong quý 3/2023, dân số Canada tăng thêm khoảng 430.600 người, trong đó 96% là người nhập cư. Đây là mức tăng nhanh nhất trong hơn 6 thập kỷ qua.
Số sinh viên có giấy phép học tập vào năm 2023 ở Canada là hơn 1,02 triệu (gồm cả giấy phép cũ và cấp mới), cũng là mức kỷ lục. Sự gia tăng số sinh viên quốc tế góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng căn hộ cho thuê, đẩy giá thuê lên cao. Statcan cho hay vào tháng 12 năm ngoái, giá thuê nhà trên toàn quốc đã tăng 7,7% so với một năm trước đó.
Theo IRCC, việc giảm số giấy phép mới nhằm đảm bảo những sinh viên chân chính nhận được sự hỗ trợ mong muốn và có các nguồn lực cần thiết để có trải nghiệm học tập phong phú ở Canada. Đồng thời, nước này ổn định tổng số sinh viên đến và giảm bớt áp lực về nhà ở, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác.
Động thái của chính phủ gây ra nhiều lo ngại. Chẳng hạn, tại Ontario, tỉnh đông dân nhất, cũng là nơi tập trung nhiều sinh viên quốc tế nhất, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng và bán lẻ, cảnh báo việc này sẽ tạo ra tình trạng thiếu lao động tạm thời.
Còn Đại học Toronto hoan nghênh thông báo của chính phủ, cho biết sẽ làm việc với các cấp chính quyền về việc phân bổ giấy phép học tập. Trong một tuyên bố, trường nhìn nhận những thay đổi này “tập trung vào việc giải quyết các hành vi lạm dụng trong hệ thống của các tác nhân cụ thể, không nhằm tác động tiêu cực đến các đại học như Toronto”.
Trước đó, Canada đã siết nhiều quy định liên quan đến sinh viên quốc tế. Hồi cuối tháng 10/2023, Bộ Di trú Canada nói sẽ giám sát chặt việc cấp giấy phép nhập học, đề xuất các trường nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ, để bảo vệ du học sinh trước nạn lừa đảo hay khó khăn về nhà ở. Từ đầu năm nay, Canada yêu cầu sinh viên quốc tế phải có hơn 20.600 CAD (15.200 USD) trong tài khoản, ngoài học phí và chi phí đi lại, để được cấp giấy phép du học. Mức nói trên tăng gấp đôi so với yêu cầu 10.000 CAD, vốn đã tồn tại hàng chục năm.
Canada là một trong hai điểm đến thu hút sinh viên quốc tế nhất thế giới, tương đương với Mỹ. Lý do là việc xin giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp khá dễ dàng, với thời hạn 8-36 tháng, tùy độ dài chương trình học. Giáo dục quốc tế mang lại hơn 22 tỷ CAD (16 tỷ USD) hàng năm cho nền kinh tế nước này.
Theo một số liệu năm 2022, khoảng 40%, sinh viên nước ngoài ở Canada đến từ Ấn Độ, sinh viên Trung Quốc đứng thứ hai với khoảng 12%. Số sinh viên Việt Nam là hơn 16.000.
Chi phí để học bậc cử nhân ở Canada trung bình khoảng 36.000 CAD một năm, gồm học phí, sinh hoạt phí.
Bình Minh (Theo Reuters, Statcan, IRCC)