Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Theo Quyết định 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 1-12-2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.
Quyết định này quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền (Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ).
Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm:
Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Dịch vụ trung gian thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;
Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;
Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; Kinh doanh kim khí quý, đá quý; Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Góp phần chống “rửa tiền”, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) cho biết Quyết định này được thực hiện theo Luật Phòng chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua.
Ông Lực đánh giá Quyết định này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và con số 400 triệu đồng là phù hợp.
“Trước khi Luật được thông qua, con số nào là phù hợp đã được đưa ra bàn thảo rất kĩ càng. Bây giờ đã có hướng dẫn cụ thể thì chuẩn bị áp dụng thôi”, ông Lực cho biết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đánh giá việc Quyết định 11/2023/QĐ-TTg có hiệu lực là theo đúng định hướng.
“Luật Phòng chống rửa tiền trước đây có quy định giao dịch trên 300 triệu đồng phải báo cáo. Mức này nâng lên 400 triệu cũng bình thường. Như thế không phải siết chặt mà là nới lỏng hơn”, ông Châu bình luận.
Theo ông Châu, các khoản có thể phát sinh rủi ro trong chuyện rửa tiền thì phải báo cáo. Còn báo cáo thì Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo, thống kê đánh giá rủi ro. Điều này nếu theo quy định hiện hành.
Xét về ngành bất động sản, khi quyết định giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo Ngân hàng Nhà nước đi vào đời sống, các doanh nghiệp không hề ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ông Châu cho biết Việt Nam tham gia Công ước phòng chống rửa tiền của Liên hiệp quốc nên đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền năm 2020 và mới sửa đổi. Bất động sản là một trong những lĩnh vực có rủi ro lớn trong rửa tiền nên phải có quy định.
Tuy nhiên, quy định này không chỉ áp dụng riêng cho bất động sản mà còn cho mọi loại giao dịch có giá trị khác.