Chiều 14/6, Bộ Y tế đã tổ chức buổi Toạ đàm – trao đổi về truyền thông y tế nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2023).
Trước khi bắt đầu buổi toạ đàm – trao đổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến sớm để trò chuyện, hỏi thăm các nhà báo theo dõi ngành y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế và đội ngũ gần 500 nghìn cán bộ, nhân viên y tế trên cả nước, gửi tới các nhà báo, những người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp.
Người đứng đầu ngành y tế chia sẻ: Bộ Y tế đánh giá rất cao sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung và các nhà báo theo dõi mảng y tế nói riêng với ngành y tế trong thời gian qua. Các nhà báo, phóng viên đã trăn trở cùng ngành, sẻ chia những gian khó, vất vả cùng đội ngũ thầy thuốc trong những nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã cùng hiến kế với Đảng, Nhà nước và Chính phủ tháo gỡ những khó khăn tạo điều kiện cho ngành y tế phát triển; đã luôn kịp thời động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
“Đã từ lâu, chúng tôi luôn coi các nhà báo theo dõi mảng y tế là người nhà. Chúng tôi luôn khắc sâu hình ảnh các nhà báo không nề hà hiểm nguy, xông pha tới các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19, các địa điểm cách ly, tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm… để phản ánh tới công chúng những nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, sự hợp tác rất hiệu quả đó giữa đội ngũ báo chí và đội ngũ thầy thuốc – hai trong số những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch là nền tảng vững chắc để tiếp tục phối hợp tốt trong tương lai, vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bệnh Covid-19 sẽ không còn được điều trị miễn phí
Chia sẻ với báo chí chiều 14/6, ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, khi Covid-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B thì bệnh không được điều trị miễn phí mà do bảo hiểm y tế thanh toán.
Vì thế, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương rà soát tình hình. Mục tiêu là kiểm soát hiệu quả bền vững bệnh Covid-19 cùng các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thay đổi lớn nhất khi chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh nhóm A sang nhóm B là thay đổi về chi phí, bệnh không còn điều trị miễn phí nữa. Những trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ được bảo hiểm thanh toán.
Dự kiến trong tháng 6 khi Thủ tướng ký quyết định hết hiệu lực của quyết định 447 thì Bộ sẽ ký quyết định chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Bộ Y tế đã chuẩn bị cùng Bộ Tư pháp tham mưu Thủ tướng Chính phủ có quyết định về chuyển bệnh từ nhóm A sang B. Bộ cũng đang tiến hành chỉnh sửa các hướng dẫn chuyên môn về giám sát phòng chống dịch Covid-19, chẩn đoán điều trị, phòng chống lây nhiễm…
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thêm, vì Covid-19 biến đổi thường xuyên, nên trong thời gian tới cần đẩy mạnh giải trình tự gen. Trong kế hoạch kiểm soát bền vững có lồng ghép Covid-19 với các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, các hội chứng viêm phổi nặng do virus.
“Hoạt động giám sát này sẽ được tích hợp trên hệ thống giám sát cúm trọng điểm. Mục đích là khi bệnh có biến đổi bất thường, chúng ta có thể phát hiện nhanh chóng, nhất là khi có biến thể mới”, GS Lân nói.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 29/5, cả nước ghi nhận hơn 85.000 ca mắc Covid-19. Trung bình, mỗi tháng nước ta có 17.000 ca, giảm 8,5 lần so với năm 2021 và giảm 48 lần so với năm 2022.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ghi nhận 20 ca tử vong do Covid-19. Tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%).
Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh Covid-19 nhập viện thấp hơn, tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Số liều vaccine Covid-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.