Trong chương trình “CEO 100 Tea Connect” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023, các chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho chính quyền thành phố.
Ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng Thành phố về Kinh tế và Tài chính TP Porto (Bồ Đào Nha) cho biết, TP.HCM muốn tăng trưởng xanh thì hãy tạo ra nhiều việc làm cho người dân, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững. Cần có những chính sách tài khóa, miễn thuế cho các doanh nghiệp hướng đến kinh tế xanh.
Ông lấy ví dụ, nếu doanh nghiệp xây dựng trụ sở công ty hay nhà xưởng có thiết kế thân thiện môi trường thì cần giảm thuế cho doanh nghiệp, thậm chí giảm thuế trong vòng 5 năm. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, thành phố cần đưa ra những “bài toán” về năng lượng, xử lý nước, xử lý rác thải… để các doanh nghiệp trẻ chung tay “giải toán”. Thành phố cũng cần tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm với các trường đại học và doanh nghiệp để tìm cách giảm phát thải, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường.
Chính quyền TP.HCM cũng nên là “người tiêu dùng” lớn nhất của doanh nghiệp. Chính quyền phải tham gia vào việc tiêu dùng xanh, ủng hộ các sản phẩm xanh của doanh nghiệp. Khi chính quyền đi tiên phong, tạo động lực cho doanh nghiệp thì người dân sẽ đi theo.
Bên cạnh đó, ông Ricardo Valente cho rằng, TP.HCM nên tập trung đầu tư cho giáo dục, phát triển kỹ năng mềm cho người dân. Thành phố hãy tổ chức những cuộc giao lưu với các nền giáo dục phát triển hơn trên thế giới. Bởi, giáo dục là nền tảng và cốt lõi của sự phát triển. Thành phố có nền giáo dục phát triển sẽ kéo theo sự phát triển về mọi mặt trong xã hội.
“Ở thành phố Porto của chúng tôi, học sinh cấp 1 đã được dạy về tăng trưởng xanh. Các em nhỏ được tìm hiểu, khám phá về tăng trưởng xanh một cách kỹ lưỡng. Các em luôn có ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng những sản phẩm thân thiện”, ông Ricardo Valente nói.
Theo ông Ricardo Valente, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, điều này thuận lợi để TP.HCM phát triển không gian xanh trong các tòa nhà và trong lòng thành phố
Ông Ichisaka Hirofumi, Giám đốc điều hành cấp cao về Quan hệ quốc tế thành phố Osaka (Nhật Bản) cho hay, Osaka là địa phương có lịch sử bảo vệ môi trường lâu đời. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường thành công song song với việc phát triển kinh tế thì thành phố này đã trải qua nhiều “thăng trầm”.
Ông Ichisaka Hirofumi chia sẻ, từ năm 1950 – 1970, Nhật Bản đã tăng trưởng kinh tế rất mạnh nhưng cũng kéo theo nạn ô nhiễm môi trường. Đến năm 1973, chính quyền Osaka bắt đầu triển khai các mô hình quản lý doanh nghiệp đầu tiên tại Nhật Bản. Trong đó, thành phố này quy định rõ các tiêu chuẩn môi trường, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
“Nhờ những thay đổi mạnh mẽ, tiên phong nên chúng tôi đã duy trì được sự tăng trưởng ổn định, môi trường được bảo vệ tối đa và đạt được nhiều thành tựu. TP.HCM có thểm tham khảo cách làm của Osaka và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ”, ông Ichisaka Hirofumi nói.
Còn theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), đơn vị này sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ TP.HCM trở thành trung tâm xuất khẩu của châu Âu. Eurocham cũng sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Ông Gabor Fluit chia sẻ, TP.HCM cần phải có nhiều chính sách hơn nữa để thúc đẩy kinh tế xanh phát triển. Điển hình như chính sách giảm thuế cho các sản phẩm xanh hay tài trợ cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xanh.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cảm ơn những đóng góp quý báu của các nhà quản lý, chuyên gia. Thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy chuẩn dựa trên cơ sở đóng góp của các chuyên gia quốc tế.
TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu các chính sách mới để đồng hành với việc chuyển đổi xanh, phát triển xanh. Công tác nghiên cứu chính sách sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm 2023. Dự kiến đến đầu năm 2024 sẽ có những chính sách mới hỗ trợ tăng trưởng xanh được ban hành.
ĐẠI VIỆT