Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Con là thủ khoa, bố mẹ xin từ chối… khen ngợi

(Dân trí) - Khi nhà trường hay phóng viên liên hệ, bố mẹ em L. đưa ra đề nghị: “Xin phép cho con tôi được giữ bí mật về kết quả học tập”. Họ cũng mong nhà trường không khen thưởng em L.

Báo Dân tríBáo Dân trí04/07/2025

Mùa thi với hàng loạt kỳ thi như thi vào trường chuyên, thi vào lớp 6, thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT cũng là mùa của thủ khoa với những chia sẻ về thành tích, bí quyết học tập.

Chân dung thủ khoa tại các kỳ thi thường mang lại nhiều cảm hứng, động lực và cả phương pháp học tập cho nhiều người.

Con là thủ khoa, bố mẹ xin từ chối… khen ngợi - 1

Học sinh trong kỳ thi cạnh tranh vào lớp 6 ở TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Trong kỳ thi vào lớp 6 ở một trong những ngôi trường khó bậc nhất ở TPHCM năm nay, con anh H. và chị N. là thủ khoa đầu vào với số điểm rất cao.

Đi kèm đó thường sẽ là những khen thưởng, chúc mừng, chia sẻ về “chân dung thủ khoa” từ trường cũ bậc tiểu học cháu vừa tốt nghiệp đến trường mới cháu vừa thi đỗ vào, đến truyền thông…

Nhưng không, ngoài Hiệu trưởng và bộ phận làm điểm thi tại kỳ thi vào lớp 6 ở ngôi trường mới em học sinh vừa tham gia, gần như không ai biết em L. là thủ khoa.

Khi nhà trường hay phóng viên liên hệ, bố mẹ em L. đưa ra đề nghị: “Xin phép cho con tôi được giữ bí mật về kết quả học tập”. Họ cũng mong nhà trường không khen thưởng riêng cá nhân con, nếu có thì khen thưởng chung cùng với các học sinh khác.

Anh H. và chị N. cho biết, ngay cả người thân, hàng xóm, thầy cô trường cũ hay bạn bè trên Facebook đều không biết con anh chị là thủ khoa trong kỳ thi này. Họ thấy không cần thiết phải chia sẻ thông tin riêng tư về học tập của cháu.

Với họ đơn giản là con vừa thi vào một ngôi trường con mong muốn và con may mắn hơn những bạn chưa trúng tuyển. Con đạt điểm cao thể hiện con vững vàng và làm tốt ở bài thi đó trong khuôn khổ kỳ thi chứ điều đó không đồng nghĩa với việc con giỏi, con xuất sắc.

Điều này không có nghĩa là họ không vui trước kết quả con đạt được. Nhưng anh chị chọn dừng lại ở việc chúc mừng con trong khuôn khổ gia đình, chúc mừng con đã đạt được kết quả tốt trong kỳ thi.

Vài năm trước, trong đợt tuyên dương học sinh TPHCM đạt học sinh giỏi quốc gia, một học sinh giành giải nhì trong kỳ thi này cũng xin phép từ chối lên báo, từ chối chia sẻ thành tích học tập. 

Em cho biết, bố mẹ em không dự lễ tuyên dương hay chia sẻ về thành tích của con như nhiều gia đình khác. Việc em đạt học sinh giỏi quốc gia cũng chỉ vài người thân trong gia đình biết chứ không rầm rộ, phô trương.

Với bố mẹ em, trách nhiệm học tập là của con, kết quả học tập là của con, bố mẹ vui "ké" thôi chứ không cần vui quá.

Với bố mẹ em, kết quả đó đơn giản dừng lại việc đạt hoặc rớt ở một kỳ thi, đạt cũng không cần phải vui mừng quá và nếu rớt cũng không có gì phải buồn, miễn là con đã làm tốt nhất ở thời điểm đó. Vậy nên em bước vào mọi kỳ thi với tâm lý nhẹ nhàng, không hề mang nỗi sợ “thi rớt”.

Bố mẹ luôn nói với em thành tích học tập chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc sống, đừng để niềm vui, nỗi buồn của mình chìm trong đó. Cuộc sống của con còn là chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, thể thao, làm việc nhà, kết nối với mọi người và hiểu về chính mình…

Việc không chia sẻ kết quả, thành tích học tập của con không chỉ là việc giữ bí mật cá nhân cho đứa trẻ. Với nhiều phụ huynh, họ cũng xem thành tích của con là thành tích của mình. Và đó cũng là cách họ bảo vệ con, không gắn giá trị của con đi liền với điểm số và thành tích học tập. 

Nhiều đứa trẻ mặc định mình chỉ giỏi, chỉ ngoan, chỉ có giá trị khi đạt điểm cao, đạt kết quả thành tích học tập tốt.

Vậy nên nhiều đứa trẻ rơi vào guồng thành tích phải cao hơn, phải tốt hơn nữa nếu không chúng sợ bố mẹ sẽ thất vọng, thấy mình không đủ giá trị, không được yêu thương… Có những đứa trẻ thường xuyên được 10, một điểm 9 cũng có thể làm chúng suy sụp, sợ hãi. 

Trong chuyên đề “Học làm sao để con trẻ thành người bình thường” diễn ra tại một trường học ở TPHCM, ThS Đinh Thanh Phương, nhắc đến những áp lực học tập mà con trẻ đang phải gồng gánh.

Con là thủ khoa, bố mẹ xin từ chối… khen ngợi - 2

Nhiều học sinh giỏi gánh áp lực về kỳ vọng học tập (Ảnh minh hoạ: Hải Long).

Không chỉ những em học kém, ThS Đinh Thanh Phương lưu ý phụ huynh cần chú ý đến những đứa trẻ học giỏi, đạt thành tích cao. 

Có thể những lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người làm các em không dám dừng lại, không dám chấp nhận bản thân, luôn phải gồng mình để đạt kết quả tốt hơn nữa hoặc ít nhất giữ được thành tích cũ. Các em rất sợ ánh mắt buồn phiền, tiếng thở dài từ bố mẹ khi không được như kỳ vọng. 

Điều này tạo nên sự căng thẳng vô hình lên tinh thần con trẻ. Nhiều bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng như rất tươi sáng... nhưng có kết cục vô cùng đau lòng xuất phát từ kỳ vọng và áp lực quá sức.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/con-la-thu-khoa-bo-me-xin-tu-choi-khen-ngoi-20250704085307916.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm