Nghỉ lễ dài bất tận
“Dịp nghỉ lễ này dài bất tận” là câu nói bông đùa của chị L.H.T. Bởi ngày 18/7 vừa qua, chị đã chính thức nghỉ việc ở một công ty lắp ráp linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).
Trước khi ký vào tờ giấy xin tự nguyện nghỉ việc, nữ công nhân đã trăn trở rất nhiều. Thời điểm đứng giữa lựa chọn nghỉ việc hay tiếp tục, chị nhớ lại những ngày tháng bắt đầu ra Hà Nội tìm việc.
Vợ chồng chị đã từng làm công nhân tại khu công nghiệp ở quê Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Song công ty cách nhà hơn 30km khiến việc di chuyển, đi làm của hai vợ chồng vô cùng vất vả.
Đi lại xa xôi mà đồng lương công nhân lúc đó chỉ vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng/tháng. Suy tính kỹ lưỡng, anh chị quyết ra thủ đô tìm việc để có thu nhập cao hơn. Với quyết định đó, chị buộc lòng phải gửi con ở nhà nhờ ông bà trông nom, chăm sóc.
Mới ngày nào ra Hà Nội, tất tưởi thuê phòng trọ cũ rích, khép kín giá 700.000 đồng/tháng, đến nay anh chị đã có 5 năm gắn bó với nhà máy, với khu trọ trong Khu công nghiệp Thăng Long.
Mỗi người làm ở một công ty khác nhau. Song tính cả tăng ca, thu nhập của hai vợ chồng cũng được 16-17 triệu đồng/tháng. Nếu chắt bóp, khéo chi tiêu, gia đình nữ công nhân cũng có một khoản tiết kiệm.
Sau Covid-19, tưởng chừng mọi việc sẽ ổn thỏa trở lại, không ngờ làn sóng giảm đơn hàng, ít việc lây lan khắp khu công nghiệp. Đôi vợ chồng công nhân đều bị giảm giờ làm.
Tuy nhiên, công ty mà chị T. làm việc ảnh hưởng nặng nề hơn.
“Chúng tôi được đi làm 10 ngày, sau đó lại phải nghỉ việc cả tháng. May là nghỉ việc nhưng công ty vẫn trả 70% lương cơ bản. Tôi đã từng tìm công việc làm thời vụ để có thêm thu nhập”, chị T. kể.
Chồng rẽ hướng đi làm việc ở nước ngoài
Đầu năm 2023, do công ty ít việc rõ rệt, công nhân nghỉ dài ngày, nữ công nhân này còn phải tìm công việc thời vụ để gia tăng thu nhập. Lúc bấy giờ, chị vẫn có thể nhận lương 7 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, hết nửa năm, tình hình khó khăn hơn, công việc có chiều hướng giảm sâu hơn. Có thời điểm, chị nhận vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng. Và đến lúc, công ty cũng phải vận động người lao động tự nguyện nghỉ việc.
“Tôi mang bầu tháng thứ 8, buộc phải suy tính có nên tiếp tục làm việc hay không. Tôi lo mai sau khi hết thai sản, công ty vẫn ít việc như vậy thì đi làm cũng không ăn thua”, chị T. cho hay.
Chồng chị cũng chịu tác động giảm việc, dù ngày nào cũng vẫn đi làm nhưng chỉ còn chằn chặn 8 giờ/ngày, không có tăng ca. Thu nhập của anh chỉ còn lại 5-6 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mỗi tháng anh chị phải chi trả tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống tại thủ đô đắt đỏ… và phải dành một khoản nho nhỏ gửi về quê.
Khoản tiền lương ít ỏi không gánh được vô vàn khoản chi tiêu cần thiết mỗi ngày của gia đình công nhân.
Chừng ấy lý do, khiến chị T. từ phân vân đã đi đến quyết định thôi việc. Ngày chị chấm dứt hợp đồng lao động cũng là lúc anh chị trả phòng, về quê.
Hành trang mang về sau 5 năm đi làm chỉ có balo quần áo, chiếc xe máy. Chuyến xe giường nằm từ Hà Nội về Hà Tĩnh 9 tiếng đồng hồ, với vợ chồng chị T. là ngổn ngang suy tư. 5 năm, căn phòng trọ tuềnh toàng, quãng đường đến công ty, nhà máy… đã trở nên thân thuộc.
Chị Trang cho biết: “Giờ về quê tôi chỉ chờ sinh nở. Còn chồng tôi đang chuẩn bị hành trang để đi Nhật làm việc. Hết thai sản tôi sẽ tính tiếp, không biết có nên tiếp tục làm công nhân hay kiếm, chuyển công việc khác”.
Trong tháng 8, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận hơn 8.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; thẩm định, ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 7.805 người với số tiền hơn 212 tỷ đồng.
Tại thị trường Hà Nội, bên cạnh nhóm doanh nghiệp giảm quy mô sử dụng lao động, vẫn có không ít đơn vị gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, trong những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp phía Bắc sẽ tiếp tục tăng tuyển dụng lao động, riêng tại thị trường Hà Nội, dự báo cần 120.000 – 140.000 lao động.
Dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng…