Theo The New York Times, công ty mẹ Meta của Facebook ngày 22.5 đã bị phạt kỷ lục 1,2 tỉ euro (1,3 tỉ USD) vì vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU). Meta cũng bị yêu cầu ngừng chuyển dữ liệu được thu thập từ người dùng Facebook ở châu Âu sang Mỹ.
Hình phạt do Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland công bố có khả năng là một trong những hình phạt nghiêm trọng nhất trong 5 năm kể từ khi Liên minh châu Âu ban hành Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) vào tháng 5.2018. Theo đó, cơ quan quản lý tại 27 quốc gia EU có quyền đưa ra mức phạt lên tới 4% doanh thu hàng năm của công ty có những vi phạm nghiêm trọng nhất.
Các nhà quản lý cho biết Meta đã không tuân thủ quyết định tòa án cao nhất của EU đưa ra năm 2020 rằng dữ liệu được chuyển sang Mỹ không được bảo vệ trước các cơ quan tình báo của nước này. Theo chính sách của Mỹ, các cơ quan tình báo có thể chặn thông tin liên lạc từ nước ngoài, bao gồm cả thư từ kỹ thuật số.
Mỹ và EU đã ký một thỏa thuận được gọi là Privacy Shield (Bảo vệ quyền riêng tư) cho phép Facebook và các công ty khác di chuyển dữ liệu giữa hai khu vực. Tuy nhiên, nhà hoạt động về quyền riêng tư của Áo Max Schrems năm 2020, đã thắng kiện để vô hiệu hóa thỏa thuận giữa Mỹ và EU. Tòa án Công lý Châu Âu nói rằng nguy cơ bị Mỹ rình mò đã vi phạm các quyền cơ bản của người dùng Châu Âu.
Phán quyết mới công bố ngày 22.5 chỉ áp dụng cho Facebook chứ không áp dụng cho Instagram và WhatsApp, các công ty con khác của Meta. Tập đoàn Meta cho biết họ sẽ kháng cáo và dịch vụ của Facebook tại EU sẽ không bị gián đoạn.
Theo phán quyết, Meta có 5 tháng để “tạm dừng mọi hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân sang Mỹ trong tương lai” và 6 tháng để ngăn chặn “việc xử lý bất hợp pháp, bao gồm lưu trữ, ở Mỹ” đối với dữ liệu cá nhân được chuyển giao của EU.
Các quan chức EU và Mỹ cũng đang đàm phán một hiệp ước chia sẻ dữ liệu sẽ cung cấp các biện pháp bảo vệ pháp lý mới cho Meta để tiếp tục chuyển thông tin về người dùng giữa Mỹ và Châu Âu. Một thỏa thuận sơ bộ đã được công bố vào năm ngoái.