Reflect Orbital, công ty khởi nghiệp ở California muốn phóng cụm gương lên quỹ đạo để truyền ánh sáng Mặt Trời tới các nhà máy quang năng nhằm tăng sản xuất điện sau khi trời tối.
Ben Nowack, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Reflect Orbital, giới thiệu kế hoạch của công ty tại Hội nghị quốc tế về năng lượng từ không gian diễn ra cuối tháng 4, theo Space. Một nguyên mẫu vệ tinh phản chiếu ánh sáng của Reflect Orbital có thể phóng vào năm sau.
Reflect Orbital muốn phát triển cụm 57 vệ tinh nhỏ quay quanh Trái Đất ở quỹ đạo cực đồng bộ Mặt Trời, tại độ cao 600 km. Ở quỹ đạo đó, vệ tinh sẽ bay xung quanh Trái Đất từ cực này tới cực kia. Các vệ tinh sẽ bay qua mỗi điểm trên Trái Đất vào cùng thời gian trong ngày, hai lần trong vòng 24 giờ. Tổng cộng, 57 vệ tinh sẽ cung cấp thêm 30 phút ánh nắng cho nhà máy điện, vào thời gian cần năng lượng nhất, theo Nowack.
Chi phí của pin quang năng đã giảm 90% trong 15 năm qua, theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế, và hiệu suất của chúng tiếp tục gia tăng nhờ tiến bộ về công nghệ quang điện. Nhờ đó, điện mặt trời hiện nay là dạng điện rẻ nhất có sẵn với nhân loại, theo Carbon Brief.
Nhưng bản chất không liên tục của sản xuất năng lượng mặt trời là vấn đề mà các chuyên gia vẫn chật vật tìm cách giải quyết. Vào ngày âm u, nhà máy quang năng sản xuất kém hơn khi trời quang đãng. Ban đêm, sản xuất năng lượng mặt trời ngừng hoàn toàn. Hệ thống pin và những dạng năng lượng tái tạo khác có thể bù đắp phần thiếu. Tính đến nay, nhà máy điện hạt nhân và nhà máy nhiệt điện vẫn đóng vai trò dự phòng.
Vệ tinh của Reflect Orbital chỉ nặng 16 kg và trang bị gương từ sợi mylar kích thước 9,9 x 9,9 m để triển khai trong quỹ đạo. Mylar là vật liệu nhựa dùng để làm tấm cách nhiệt và đóng gói trong không gian. Những chiếc gương sẽ được điều chỉnh để tập trung ánh sáng thành một chùm hẹp có thể chuyển hướng và tập trung dựa trên nhu cầu của nhà vận hành trang trại mặt trời.
Năm ngoái, Reflect Orbital thử nghiệm gương trên khí cầu trôi nổi ở độ cao 3 km phía trên trang trại mặt trời. Họ có thể sản xuất 500 watt năng lượng/m2 pin quang năng. Công ty đã kêu gọi đủ vốn đầu tư để phóng vệ tinh thử nghiệm đầu tiên vào không gian năm 2025.
An Khang (Theo Space)