Trung QuốcTrong trang phục truyền thống và hoa đỏ cài đầu, bà Vương mời một phụ nữ lên sân khấu giới thiệu bản thân và mẫu đàn ông lý tưởng.
“Chỉ cần nói cho chị biết các em thích ai, mẹ đỡ đầu đây sẽ mời họ lên sân khấu”, người phụ nữ lục tuần hỏi một cô gái trẻ, tại khu thắng cảnh Khai Phong, tỉnh Hà Nam.
Tại sự kiện, bà Vương đóng vai “mẹ đỡ đầu” của những người phụ nữ và giúp họ tìm chồng. Ngay khi cô gái chia sẻ hình mẫu, bà sẽ giúp tìm kiếm đối tác ưng ý. Nam giới tại sự kiện có thể giơ tay và giao lưu với người phụ nữ trên sân khấu. Các cặp thành công sẽ trao đổi liên lạc ngay tại chỗ.
Nếu người nữ không tìm được bạn khác giới phù hợp, bà mối khéo léo xoa dịu sự khó xử. Khi thấy một chàng trai nhút nhát, bà dạy họ cách thổ lộ tình cảm. Và nếu mai mối không thành công, bà sẽ cho những người “tan vỡ” voucher để mua một thứ gì đó từ khu thắng cảnh như một niềm an ủi.
Chương trình “Bà Vương nói chuyện mai mối” ở khu thắng cảnh Khai Phong trở thành một hiện tượng gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc. Các chủ đề liên quan đến Vương bà đã thu về hơn 6 tỷ lượt xem, trong khi số lượng người theo dõi tài khoản cá nhân “Bà Vương ở phủ Khai Phong” tăng vọt từ 230.000 vào ngày 15/3 lên hơn 6 triệu vào đầu tháng 4. Địa điểm thường chật kín trước khi sự kiện bắt đầu và kéo dài hai giờ, thay vì chỉ 10 phút như trước.
Khai Phong, “cố đô của 8 triều đại”, một lần nữa trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nhờ sự nổi tiếng của bà mối Vương. Nhiều cư dân mạng cho biết họ đã lên kế hoạch đến Khai Phong để tham dự sự kiện của bà Vương trong dịp tết Thanh Minh này.
Dữ liệu từ Tong Cheng Travel cho thấy tính lượt tìm kiếm khu danh lam thắng cảnh này đã tăng hơn 700% trong tuần qua, với lượng đặt vé tăng hơn 200% so với tháng trước. Chính quyền Khai Phong cũng đặc biệt triệu tập một cuộc họp để nghiên cứu cách ăn theo hiện tượng này.
Chương trình này phỏng theo tục làm mai ngày xưa ở Trung Quốc, lấy cảm hứng từ nhân vật Vương Can Nương mai mối cho Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên trong tiểu thuyết Thủy Hử. Người đóng vai bà Vương là Triệu Mai, 61 tuổi, nhân viên tại khu du lịch Khai Phong được 7 năm và có khá nhiều kinh nghiệm ghép đôi cho giới trẻ.
Triệu Mai cho biết đây vốn là một chương trình giới thiệu cuộc sống hàng ngày ở Khai Phong thời nhà Tống cho du khách, nhưng bà đã chủ động thêm các yếu tố mai mối vào. “Người trẻ hiện nay thường phải chịu nhiều áp lực và bận rộn nên không có thời gian tìm kiếm bạn đời. Chương trình của tôi phù hợp với yêu cầu kép của người xem mắt hiện đại là vừa nhanh vừa đáng tin cậy”, bà nói.
Triệu Mai tiết lộ có khoảng 40-50 cặp đôi kết hôn mỗi năm sau khi “tìm thấy nhau” tại chương trình mai mối tập thể này. Đây quả thực là con số ấn tượng nếu so với những trung tâm mai mối chuyên nghiệp tại Trung Quốc.
Sức hấp dẫn của chương trình chủ yếu dựa vào tài ăn nói và dẫn dắt của Vương bà. Triệu Mai luôn khuấy động bầu không khí bằng những câu nói như “Nếu không hẹn hò, bạn sẽ không bao giờ gặp được đúng người” hay “Dũng cảm bày tỏ tình yêu không có gì đáng xấu hổ”. Chính sự nhiệt tình và chân thành của MC giúp những người độc thân có thêm dũng khí và tự tin để bước lên tìm kiếm tình yêu.
Người dùng mạng cảm thấy so với các công ty hẹn hò tính phí dịch vụ hàng chục nghìn tệ, việc mai mối tận nơi, miễn phí của bà Vương thực sự khiến mọi người tin tưởng và thoải mái hơn. Họ khen ngợi bà giỏi giữ nhiệt cho chương trình, dù người tham gia xa lạ và cần nhiều ứng biến.
Tuy nhiên, chương trình cũng có nhiều tranh cãi và kịch tính. Ví dụ, một cặp vợ chồng đã ly hôn được ba năm lên sân khấu và sau sự hòa giải của bà Vương, họ ôm nhau rơi nước mắt và quyết định hòa giải. Sự bất ngờ này khiến khán giả hoài nghi đã được dàn dựng. Một người nam khác đã thành công ghép đôi trên sân khấu, nhưng thực tế đã kết hôn, làm dấy lên cáo buộc việc mai mối ở đây không thực hiện bất kỳ kiểm tra lý lịch nào và không nghiêm túc.
Các chuyên gia cảm thấy mặc dù sự nổi tiếng bùng nổ của Bà Vương một phần được được các vlogger và người xem thúc đẩy, nhưng thực tế là chương trình có thể thu hút một số lượng lớn người tham gia chứng tỏ thanh niên vẫn có nhu cầu mai mối.
Peng Kaiping, trưởng khoa Khoa học xã hội tại Đại học Thanh Hoa, cho biết sự nổi tiếng của “Bà mối Vương” cho thấy giới trẻ vẫn còn đặt nhiều kỳ vọng vào tình yêu và nhiều người thực sự hy vọng tìm được nửa kia. Quan sát của ông cho thấy 70% mọi người cần sự giúp đỡ từ người khác để tìm được một nửa đời mình.
Trên thực tế, thái độ đối với việc mai mối đang thay đổi. Trang web hẹn hò và hôn nhân Jiayuan.com đã công bố một báo cáo vào năm 2023 cho biết hơn 50% thanh niên sau 2000 có thể chấp nhận mai mối để tìm bạn đời và so với thế hệ trước, họ bắt đầu tìm kiếm mai mối từ tuổi 20.
Nhu cầu về một “góc mai mối” ở các thành phố của người dân cũng ngày càng tăng cao, do thanh niên gặp khó khăn trong tìm bạn đời. Theo báo cáo The Paper, từ năm ngoái nhiều người dân từ các khu vực như Bắc Kinh, Urumchi ở Tân Cương, Diên An ở Thiểm Tây, Cao Bình ở Sơn Tây… đã kêu gọi chính quyền địa phương thành lập các góc mai mối ở các công viên địa phương.
Tại sự kiện, không chỉ khách du lịch lên sân khẩu mới có cơ hội, ngay cả người đứng dưới cũng có thể trao đổi Wechat. Một người chia sẻ, sự kiện giống như một lễ hội âm nhạc, người ta đến đó để xem buổi biểu diễn, kết bạn hoặc thậm chí hẹn hò ngẫu hứng.
Nhìn bề ngoài, sự ủng hộ dành cho “Bà mối Wang” không phản ánh nhiều mong muốn được kết hôn mà là hy vọng thoát ra khỏi vòng tròn cuộc sống thường ngày và hẹn hò của những người trẻ tuổi. Đồng thời, tâm trạng nghỉ lễ và bầu không khí thoải mái tại các danh lam thắng cảnh cũng giúp giảm bớt những trở ngại của việc hẹn hò trong thế giới thực, giúp các bạn trẻ mở rộng trái tim.
“Bà mối Vương” đã phá vỡ định kiến nhất định về mong muốn quan hệ và hôn nhân của giới trẻ. Tuy nhiên, người ta không thể dựa vào một chương trình này đã tạo nên sự thay đổi. Theo nhiều chuyên gia, ít can thiệp và chân thành hơn giống như bà Vương, có lẽ là chất xúc tác thúc đẩy việc hẹn hò và hôn nhân ở Trung Quốc.
Bảo Nhiên (Theo Think China)