Ông Jim Liu, bác sĩ tim mạch của Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết tập thể dục gắng sức có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tim, theo tạp chí US News.
Nhịp tim quá cao
Nhịp tim là một chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe. Bà Kisha Carr, huấn luyện viên thể hình tại bang California (Mỹ), khuyến cáo bạn không nên để nhịp tim tăng quá nhịp tim tối đa khi tập thể dục.
Công thức để tính nhịp tim tối đa một cách tương đối là lấy 220 trừ đi số tuổi hiện tại. Ví dụ, nếu bạn 40 tuổi, thì nhịp tim tối đa của bạn là 220 – 40 = 180 nhịp mỗi phút.
Vì vậy, nếu bạn không tập các bài tập cường độ cao mà vẫn cảm thấy nhịp tim tăng đột ngột hoặc đập loạn nhịp thì chắc chắn bạn phải dừng tập và nghỉ ngơi.
Đau ngực
Bà Martha Gulati, giáo sư y khoa, Đại học Arizona (Mỹ) cho biết đau ngực là một trong những triệu chứng bất thường.
Nếu bạn cảm thấy đau, tức ngực, đặc biệt khi kèm theo cảm giác buồn nôn, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi nhiều khi đang tập thể dục thì bạn hãy dừng lại và kiểm tra sức khỏe.
Ngoài ra, khi tập luyện quá sức, cơ bắp cũng sẽ thường xuyên bị đau nhức. Nếu bạn khó ngủ hoặc không theo kịp các bài tập trước đây thì hãy nghỉ ngơi và nhờ bác sĩ tư vấn.
Hụt hơi
Bà Gulati cho biết rằng việc hụt hơi hay cảm giác khó chịu khi thực hiện các bài tập mà bạn thực hiện dễ dàng trước đây là dấu hiệu để bạn nên ngừng tập thể dục.
Nếu tình trạng khó thở sau khi tập luyện kéo dài và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Chóng mặt
Không ăn uống đầy đủ trước khi luyện tập là một trong những nguyên nhân gây ra chóng mặt trong lúc tập luyện. Tuy nhiên, nếu bạn đã dừng lại để ăn uống mà vẫn bị chóng mặt và kèm theo các triệu chứng như đổ mồ hôi đầm đìa, mất tỉnh táo và thậm chí là ngất xỉu thì bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Nguyên nhân những triệu này có thể là do mất nước, tiểu đường, huyết áp, bệnh tim và các vấn đề của hệ thần kinh.
Chuột rút ở chân
Chuột rút ở chân trong khi tập thể dục có thể là dấu hiệu của việc tắc nghẽn động mạch chính ở chân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuột rút ở chân nhưng các nguyên nhân thường gặp là mức kali thấp, mất nước hoặc mất cân bằng điện giải.
Ông Mark Conroy, bác sĩ cấp cứu tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ) khuyên bạn nên xoa bóp và làm mát khu vực bị chuột rút bằng cách quấn khăn lạnh hoặc chườm nước đá.
Đổ nhiều mồ hôi một cách bất thường
Mồ hôi giúp làm mát cơ thể. Đổ mồ hôi quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Nếu bạn đổ mồ hôi quá nhiều so với mức bình thường mà không phải do thời tiết nóng thì bạn cũng nên dừng tập thể dục lại để nghỉ ngơi và kiểm tra sức khỏe.