Nếu dòng tiền vẫn được duy trì, thì khả năng VN-Index sẽ còn giữ được động lực tăng; tuy nhiên thị trường có thể xuất hiện nhiều hơn các nhịp rung lắc quanh mốc 1.500 điểm.
Dòng tiền mạnh, tâm lý tích cực
Thị trường chứng khoán thế giới cũng có một tuần giao dịch rất tốt, với nhiều thị trường tăng điểm tích cực. Chứng khoán Mỹ tăng tốt với việc chỉ số S&P 500 và Nasdaq mức tăng tương ứng +0,6% và +1,5%. Trong khi, Dow Jones hoàn tất một tuần giao dịch với mức giảm không đáng kể -0,1%. Thị trường tiếp tục lập kỷ lục mới nhờ mùa báo cáo tài chính bán niên ở Phố Wall đã có một sự khởi đầu tích cực.
Ở châu Á, ngoại trừ Philippines giảm -2,4%, Ấn Độ và Malaysia giảm nhẹ -0,7%, thì các thị trường khác đều xanh điểm trong tuần qua, trong đó, mạnh nhất là Thái Lan với mức tăng +7,6%, Indonesia +3,8%, Hongkong +2,8%...
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ với một tuần giao dịch khởi sắc. Chỉ số VN-Index chốt tuần ở ngưỡng 1.497,28 điểm, tăng +39,52 điểm, tương đương tăng +2,71% so tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp, có thời điểm chỉ số này đạt mức cao nhất 1.501,2 điểm. Nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap tăng lần lượt +3,52% và +3,11%, bên cạnh nhóm Bluechips, với VN30 lập đỉnh cao mới và tăng +3,13%.

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có diễn biến tích cực. Trong đó, chỉ số HNX-Index có tuần tăng +8,96 điểm, kết tuần tại 247,77 điểm, tương ứng mức tăng +3,75% so với tuần trước. Còn chỉ số UPCoM-Index tăng +2,02 điểm để đóng cửa tại 104,74 điểm.

Thống kê trong tuần cho thấy, một số nhóm cổ phiếu có mức tăng mạnh hơn thị trường như: Bất động sản (+9,38%), Vingroup (+9,20%), Chứng khoán (+5,87%), Bán lẻ (+4,12%)… Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu đi ngược thị trường như: Logistics (-1,30%), Bảo hiểm (-1,27%), Viettel (-1,08%)…
Độ rộng thị trường trong tuần cho thấy dòng tiền có sự lan tỏa tích cực hơn so với tuần trước đó. Mức tập trung vốn cùng hiệu suất tăng ở chỉ số tập trung ở các nhóm cổ phiếu như: Chứng khoán, Bất động sản, Bán lẻ, Vingroup, Sản xuất và phân phối điện, Đầu tư công, Dầu khí…

Dòng tiền tiếp tục tạo điểm nhấn cho thị trường chứng khoán tuần qua. Theo đó, giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường tuần vừa qua đạt 38.726 tỷ đồng, tăng +13,3% so với tuần trước đó, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng tăng +11,4% lên 34.425 tỷ đồng.
Dòng tiền trong tuần được hỗ trợ nhiều từ nguồn tiền trong nước, trong khi đó, dòng tiền khối ngoại có phần chững lại sau nhiều tuần mua ròng tốt.

Cụ thể, trong tuần, khối ngoại mua ròng +1.291 tỷ đồng, đánh dấu tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp, kể từ phiên quay lại mua ròng (2/7), khối ngoại đã mua ròng tổng cộng gần 13.230 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng đã giảm hẳn, về mức -30.651 tỷ đồng.
Tuần vừa qua khối ngoại mua ròng đối với VPB (+654 tỷ đồng), SSI (+582 tỷ đồng), MSN (+354 tỷ đồng), DXG (+347 tỷ đồng), trong khi bán ròng VCB (-397 tỷ đồng), GMD (-366 tỷ đồng)…

Chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 15,2 lần, không còn rẻ khi đang tiệm cận mức bình quân 5 năm (15,5 lần). Tuy vậy, mức định giá hiện tại vẫn thấp hơn so với khi VN-Index ở vùng 1.500 điểm năm 2021, hệ số P/E khi đó ở vùng 20-21 lần.
VN-Index sẽ vượt mốc 1.500 điểm, đi kèm rung lắc?
Thị trường chứng khoán trong nước đang cho thấy đợt tăng điểm mạnh nhất trong nhiều năm qua. Nếu chỉ tính từ đầu tháng 4/2025 tới nay, VN-Index đã tăng tới khoảng 40%, tương đương với gần 430 điểm. Đặc biệt hơn là thị trường cho thấy ấn tượng rõ nét trong 2-3 tuần gần đây. Không chỉ có điểm số mà dòng tiền mới là điều đáng chú ý hơn. Dòng tiền trong nước và dòng tiền nước ngoài đều mạnh lên rõ rệt.
Nếu khi khối ngoại mua ròng trở lại khá tốt, giảm khá mạnh về giá trị mua ròng tính từ đầu năm đến hết tháng 6, thì khối ngoại lại cho thấy sự bứt phá. Theo thống kê, thanh khoản trung bình phiên kể từ đầu tháng 7 tăng +75,2% so cùng kỳ và tăng +44,6% so với tháng 6, đạt 33.931 tỷ đồng/phiên. Tính từ đầu năm, mặc dù thanh khoản vẫn giảm nhẹ so cùng kỳ, nhưng thanh khoản trung bình phiên toàn thị trường đạt 22.920 tỷ đồng/phiên, tăng +8,72% so mức bình quân năm 2024.
Trên thực tế, thị trường đã xuất hiện các nhịp rung lắc khi VN-Index hành trình tiến về mốc 1.500 điểm. Điều này có thể còn tiếp diễn trong tuần này, nhưng cơ hội cho VN-Index vượt mốc 1.500 điểm vẫn rất lớn. Dòng tiền nội vẫn cho thấy sức mạnh để dẫn dắt thị trường khi dòng tiền ngoại có vẻ đuối trong tuần qua.
Dòng tiền “mơ ước” này kết hợp với tâm lý tích cực và kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ là các yếu tố giúp VN-Index bất chấp lực cản để lập đỉnh mới. Mức thanh khoản 38.726 tỷ đồng/phiên ở tuần vừa qua chỉ sau vùng thanh khoản kỷ lục 40.000-43.000 cuối năm 2021 đầu năm 2022 - giai đoạn dòng tiền bị hút vào kênh chứng khoán vì Covid-19.

Một số dự báo cho rằng, khả năng thị trường sẽ vượt đỉnh 1.500 điểm trong tuần này nhưng sẽ đi kèm nhiều hơn nữa các nhịp rung lắc. Thanh khoản tiếp tục tăng và dòng tiền hoạt động mạnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi nhóm cổ phiếu trụ hoặc Bluechips có vai trò giữ hoặc điều tiết chỉ số chung. Về mặt kỹ thuật, vùng cản chính cho thị trường ở khu vực VN-Index 1.520-1.540 điểm.
Trong bối cảnh xu hướng tăng đã kéo dài nhưng dòng tiền lại đang rất mạnh, việc bảo vệ thành quả nên là ưu tiên hàng đầu. Bối cảnh này rất dễ khiến nhiều nhà đầu tư có thể có tâm lý “fomo”, vì thế nên tỉnh táo để chọn lọc cổ phiếu, thay vì bám theo đà tăng chung của chỉ số. Việc hướng dòng tiền vào các mã có kết quả kinh doanh tốt và triển vọng trung hạn tích cực nên ưu tiên.
Nguồn: https://nhandan.vn/thi-truong-chung-khoan-tuan-moi-vn-index-huong-toi-moc-1500-diem-rung-lac-gia-tang-post895148.html
Kommentar (0)