Định hướng trong công tác xúc tiến đầu tư của Quảng Ngãi là ưu tiên sàng lọc và nâng cao chất lượng các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; chú trọng thu hút những dự án có chất lượng, công nghệ cao, đặc biệt quan tâm thu hút các ngành công nghiệp nền tảng trong lĩnh vực lọc hóa dầu, năng lượng, dịch vụ du lịch cao cấp.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi Huỳnh Thị Phương Hoa chia sẻ với phóng viên TG&VN như vậy về định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong tương lai.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi Huỳnh Thị Phương Hoa. (Ảnh: NVCC) |
Bà có thể chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ngãi, đặc biệt là trong những lĩnh vực tỉnh đang chú trọng xúc tiến đầu tư?
Quảng Ngãi là một tỉnh nằm ở tâm điểm miền Trung Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng về phía Bắc 120 km, cách Bình Định 140km về phía Nam, có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam, với diện tích hơn 5.135 km2, dân số gần 1,3 triệu người, với 11 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã.
Tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, logistic và các ngành kinh tế biển.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt; có quốc lộ 1A, quốc lộ 24A nối với các tỉnh tây nguyên, Nam Lào, Myanmar và Bắc Thái Lan; tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Trung tâm TP. Quảng Ngãi cách cảng hàng không quốc tế Chu Lai 30 km – dự kiến đến năm 2025 sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển hàng hóa với công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tỉnh có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.
Song song với đó, Quảng Ngãi có Khu kinh tế (KKT) Dung Quất thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tổng diện tích quy hoạch 45.332 ha. Đây là KKT tổng hợp phát triển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển các tổ hợp công nghiệp nặng, các dự án quy mô lớn… gắn với khai thác và phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất.
KKT Dung Quất cũng là một trong nhóm 5 KKT ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam và cũng là một mô hình khu kinh tế hoạt động thành công nhất của đất nước hiện nay.
Ngoài ra, trong KKT Dung Quất còn có các khu công nghiệp khác như Khu Công nghiệp (KCN) – Dịch vụ – Đô thị VSIP, Khu đô thị công nghiệp Dung Quất, Phân KCN Sài Gòn – Dung Quất, KCN Tịnh Phong.
Trong đó, KCN – Dịch vụ – Đô thị VSIP là dự án thứ 5 của VSIP Group tại Việt Nam và đang là khu công nghiệp hiện đại, kiểu mẫu nhất của Tập đoàn, hoạt động 10 năm qua với tổng diện tích là 915 ha, tỉ lệ lấp đầy KCN là 70%.
Tại KCN VSIP, Quảng Ngãi thu hút đầu tư các dự án đến từ các quốc gia như Bỉ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia. Tiêu biểu như: Nhà máy sản xuất sợi thép bện của Bekaert Việt Nam (Bỉ); nhà máy sản xuất trang thiết bị nội thất Happy (Singapore); dự án nhà máy sản xuất và chế biến nệm của Gesin Việt Nam (Hàn Quốc), dự án sản xuất tròng mắt kính của Công ty Hoya Lens Việt Nam (Nhật Bản)…
Hiện tại, VSIP Quảng Ngãi đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư Khu công nghiệp VSIP II tại Quảng Ngãi.
Thêm vào đó, Quảng Ngãi có nhiều vùng đất rộng lớn, trù phú trải dài rộng khắp trên địa bàn tỉnh với hơn 300.000 ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, ngư trường rộng lớn trên 11.000 km2 và đường bờ biển dài 130km với sản lượng thủy hải sản dồi dào, sản lượng hàng năm đạt hơn 200.000 tấn cũng là tiềm năng cho các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản, thực phẩm.
Về du lịch, Quảng Ngãi được thiên nhiên ưu đãi nhiều bãi tắm đẹp, nên thơ và đảo ngọc Lý Sơn. Kết hơp với sự đa dạng và đan xen kỳ diệu của địa hình và khí hậu nhiệt đới gió mùa, Quảng Ngãi có một hệ sinh thái rất phong phú và nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di sản địa chất, lễ hội nổi tiếng.
Thời gian qua, Quảng Ngãi đã có những giải pháp gì để thu hút đầu tư, thưa bà?
Quảng Ngãi nhất quán thực hiện phương châm: Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân là đối tượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Sự thành công của doanh nghiệp chính là sự thành công của tỉnh, lợi ích của doanh nghiệp là lợi ích của tỉnh và tiềm năng của tỉnh chính là cơ hội của nhà đầu tư.
Nhằm thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ nhất, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ để phục vụ các dự án; đặc biệt chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước và xử lý môi trường để phát triển công nghiệp nhanh nhưng mang tính bền vững.
Thứ hai, thực hiện đúng và đủ chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án tại tỉnh. Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực địa phương chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của nhà đầu tư.
Thứ ba, thường xuyên rà soát, đánh giá sự phù hợp của các chính sách ưu đãi để kịp thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư; đẩy mạnh việc thu hút đầu tư. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và thu hút các dự án đầu tư lớn, có tác động lan toả; nâng cao tính minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin; chủ động hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thứ tư, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, điều kiện và định hướng phát triển của tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý đất đai của chính quyền cơ sở để hạn chế những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho Nhà đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư từ khâu tìm hiểu cơ hội đầu tư đến khâu triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động… Xem công tác hỗ trợ đầu tư là một chính sách ưu đãi hàng đầu, một hình thức xúc tiến đầu tư hiệu quả trong giai đoạn hiện nay (xúc tiến đầu tư tại chỗ).
Thứ sáu, gắn thu hút đầu tư với đánh giá năng lực và khả năng triển khai của Nhà đầu tư để tránh tình trạng dự án được cấp phép nhưng không có khả năng triển khai hoặc cố tình chậm triển khai, thực hiện dự án. Kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai đầu tư để tìm kiếm nhà đầu tư mới có năng lực, kinh nghiệm đầu tư.
Một góc khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Đâu là những điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư của Quảng Ngãi? Định hưởng thu hút đầu tư của tỉnh trong tương lại là gì, thưa bà?
KKT Dung Quất có bước phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những Khu Kinh tế tiên phong và thành công của cả nước; là trung tâm sản xuất công nghiệp và là động lực phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế điểm miền Trung.
Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 344 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 385.226 tỷ đồng (tương đương 17,887 tỷ USD); trong đó có 67 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 02 tỷ USD và 283 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 339.839 tỷ đồng (tương đương 15,884 tỷ USD) và giải quyết việc làm cho 66.670 lao động, đóng góp ngân sách thông qua các khoảng thuế hàng năm khoảng 1 tỷ USD. Các dự án lớn đã hoạt động: Nhà máy lọc dầu BSR, Tổ hợp gang thép Hòa Phát, Sabeco, Doosan Vina, GE, Messer, VSIP; đang xây dựng Nhà máy điện khí EVN, Sembcorp,…
Hiện nay, định hướng trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh là ưu tiên sàng lọc và nâng cao chất lượng các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; chú trọng thu hút những dự án mà tỉnh đang cần, những dự án có chất lượng đặc biệt thu hút các ngành công nghiệp nền tảng, lợi thế (công nghiệp lọc hóa dầu, năng lượng, luyện cán thép, cơ khí, đóng tàu biển…).
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, công nghiệp sạch; công nghiệp hỗ trợ; chế biến, chế tạo; xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; thu hút phát triển các mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp sinh thái; các ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; đưa KKT Dung Quất trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng; hình thành và phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế.
Ngoài việc xúc tiến đầu tư trong nước thì việc kết nối, xúc tiến thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng, nhất là thu hút thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Bắc Âu, châu Mỹ…có trình độ kỹ thuật tiên tiến.
Bà kỳ vọng thế nào về Hội nghị Ngoại vụ 21 và có đề xuất gì với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ địa phương xúc tiến thương mại, hội nhập quốc tế?
Tôi kỳ vọng, Hội nghị Ngoại vụ 21 là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại kết quả của một năm nỗ lực, vượt khó và vươn lên của toàn ngành ngoại giao Việt Nam, đánh giá đúng những kết quả to lớn của ngành ngoại giao Việt Nam đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự ổn định và thịnh vượng chung của thế giới.
Đây cũng là dịp để thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của toàn ngành, đánh giá mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và các địa phương; đánh giá tình hình hoạt động chung của cơ quan ngoại vụ địa phương. Một số những khó khăn cần phải tháo gỡ thấu đáo để ngoại vụ địa phương đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn vào sự phát triển của các tỉnh thành, thực sự là “cánh tay nối dài” đặc lực của Bộ Ngoại giao, góp sức để vai trò, vị trí của ngành ngoại giao Việt Nam ngày càng cao.
Chúng tôi mong muốn các Đại sứ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong phối hợp với cơ quan ngoại vụ địa phương để đẩy mạnh hoạt động giới thiệu quảng bá về các địa phương, trong đó có Quảng Ngãi, đến với bạn bè trên thế giới.
Từ đó, đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế đến gần hơn các địa phương nhằm đạt được một mục tiêu cao nhất là triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thực sự sâu rộng, phong phú và hiệu quả.
Xin cảm ơn bà!