Nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh đã phát động và triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. Qua phong trào, ngày càng nhiều đề tài, giải pháp có tính thực tiễn cao đã được công nhận và triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.
Với việc lồng ghép, đưa vào các nội dung giáo dục về di sản văn hóa địa phương, các tiết sinh hoạt lớp do cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Yên Lạc chủ nhiệm trở nên sôi nổi hơn rất nhiều.
Ngoài các nội dung triển khai công việc, trong tiết sinh hoạt, học sinh được tham gia các trò chơi như tìm hiểu kiến thức chung liên quan đến di sản địa phương dưới dạng gameshow truyền hình; tham quan, du lịch “ảo” thông qua mô hình lớp học “không giới hạn”. Đặc biệt, cô Lan đã sử dụng linh hoạt các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sân khấu hóa trong giờ sinh hoạt để tăng tính hấp dẫn, tái hiện không gian diễn xướng của một số di sản văn hóa địa phương…
Qua đó, tạo hứng thú, giảm áp lực cho học sinh trong tiết sinh hoạt, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đồng thời, nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về di sản văn hóa địa phương, khơi dậy trong học sinh tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng cống hiến. Từ những hiệu quả thiết thực mang lại, phương pháp thực hiện giờ sinh hoạt lớp gắn với các di sản địa phương được lựa chọn nhân rộng ra các trường trung học, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn toàn tỉnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ: Đối với các thầy, cô giáo làm công tác chủ nhiệm lớp, giờ sinh hoạt là khoảng thời gian vô cùng quý báu để triển khai công việc, chấn chỉnh nền nếp, uốn nắn học sinh, khơi dậy trong các em sự thích thú, khả năng sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống cho các em một cách tập trung và hiệu quả. Là một giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn và kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ các phương pháp để nâng cao chất lượng bộ môn ở các lớp mình đang tham gia giảng dạy và chất lượng lớp chủ nhiệm. Do đó, tôi đã nghiên cứu, xây dựng đề tài “Sử dụng các hoạt động giáo dục di sản địa phương nhằm nâng cao hiệu quả các giờ sinh hoạt lớp”.
Để tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích phong trào viết SKKN trong đội ngũ nhà giáo, Sở GDĐT đã phát động, triển khai sâu rộng phong trào viết SKKN gắn với các phong trào, các cuộc vận động của ngành như “Dạy tốt - học tốt”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Đồng thời, thành lập hội đồng sáng kiến, hội đồng thi đua khen thưởng; tổ chức lựa chọn, đánh giá kết quả thực hiện các đề tài sáng kiến; tổ chức nhiều sân chơi học thuật, thúc đẩy tư duy đổi mới và năng lực sáng tạo của giáo viên.
Bên cạnh đó, các trường học tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào; động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên mạnh dạn đưa ra các ý tưởng, tìm tòi các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương, nhân rộng những SKKN hiệu quả.
Phong trào viết SKKN được triển khai hiệu quả đã khuyến khích đội ngũ nhà giáo nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng các phương pháp dạy học mới phù hợp với từng môn học và học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả cao trong quá trình giảng dạy, cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại các nhà trường.
Việc nghiên cứu, viết SKKN đã tạo cơ hội để mỗi nhà giáo tự học, tự bồi dưỡng, rèn giũa tư duy khoa học, sáng tạo. Các SKKN được chia sẻ, nhân rộng giúp cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành có thêm điều kiện để học tập, trao đổi những cách làm hay, biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý, giảng dạy.
Qua các năm, phong trào viết SKKN không ngừng được mở rộng về quy mô và số lượng, chất lượng. Giai đoạn 2020 - 2025, ngành GDĐT tỉnh đã có 3.047 sáng kiến được xét công nhận có hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng ở cấp ngành; đặc biệt có 261 sáng kiến tiêu biểu được công nhận có hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng ở cấp tỉnh.
Trong số đó, nhiều sáng kiến được đánh giá cao, có tính lan tỏa và được triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh như “Mô hình trường học gắn kết với cộng đồng” của thầy giáo Lê Huy Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý (Lập Thạch); “Giáo dục học sinh THCS giảm hành vi tăng động giảm chú ý trong học tập” của cô giáo Hà Thị Mai Hoa, Trường THCS Tô Hiệu (Vĩnh Yên); “Sử dụng các hoạt động giáo dục di sản địa phương nhằm nâng cao hiệu quả giờ sinh hoạt lớp” của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lạc…
Phong trào viết SKKN đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn ngành GDĐT tỉnh không chỉ là hoạt động mang tính thi đua mà đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh - những người không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp trồng người.
Với định hướng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng thực tiễn, Sở GDĐT tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua viết SKKN, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, hỗ trợ, đánh giá và nhân rộng các sáng kiến tiêu biểu, tạo điều kiện để các đề tài có giá trị được áp dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục.
Lê Mơ
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128911/Dong-luc-doi-moi-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc
Bình luận (0)