Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hà Nội quyết liệt bảo vệ môi trường, hướng tới cấm xe máy sử dụng xăng dầu tại nội đô từ năm 2026

Chiều 15-7, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô”. Tại đây, các chuyên gia và lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết của những giải pháp mạnh mẽ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí – vấn đề ngày càng cấp bách tại Thủ đô.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng15/07/2025

Các đại biểu dự tọa đàm
Các đại biểu dự tọa đàm

Thông tin tại tọa đàm cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg (ngày 12-7-2025) yêu cầu các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách để ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, từ ngày 1-7-2026, không lưu hành mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) trong khu vực vành đai 1; từ ngày 1-1-2028, mở rộng lộ trình hạn chế ô tô và xe máy dùng xăng dầu trong vành đai 1 và 2; đến năm 2030, có thể tiến tới vành đai 3.

2.JPG
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, đây là một chỉ thị toàn diện, quyết liệt, đặt ra yêu cầu chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân theo hướng thân thiện môi trường. Với khoảng 8,5 triệu dân và trên 8 triệu phương tiện, trong đó 1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy. Riêng trong khu vực vành đai 1 là trung tâm nội đô lịch sử của Thủ đô, số lượng xe máy lên tới 450.000, dân số trong khu vực này chỉ khoảng 600.000.

Để thực hiện Chỉ thị 20, Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện phù hợp, nhất là những người sống và làm việc trong nội đô. Thành phố cũng sẽ trình HĐND các nghị quyết chuyên đề vào tháng 9-2025 để cụ thể hóa chỉ đạo này.

Về hạ tầng kỹ thuật, TP Hà Nội sẽ chuẩn hóa quy hoạch và phát triển mạng lưới trạm sạc cho xe điện, đồng thời đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Việc kiểm soát chất lượng và bố trí hệ thống trạm sạc sẽ được giám sát chặt chẽ để tránh các nguy cơ về an toàn điện và cháy nổ.

1.jpg
Khí thải từ phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, Thành phố sẽ triển khai các biện pháp chuyển đổi linh hoạt, phù hợp, không gây đột ngột hay bất khả thi trong thực tế. Trọng tâm là tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, phấn đấu đạt 40% trong khu vực vành đai 1 – gấp đôi mức trung bình hiện nay. Đến năm 2030, toàn bộ hệ thống xe buýt tại Hà Nội sẽ chuyển sang xe điện.

Bên cạnh hệ thống giao thông công cộng đa phương thức hiện đại, TP Hà Nội cũng định hướng người dân từ bỏ thói quen sử dụng xe máy cá nhân, chuyển sang phương tiện xanh và phương tiện công cộng.

3.JPG
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho rằng: “Chỉ có chính sách quyết liệt và sự đồng thuận của người dân mới tạo ra thay đổi thực chất. Mỗi người dân cần thay đổi hành vi – như giảm sử dụng xe máy, tăng cường sử dụng xe buýt, tàu điện – để góp phần bảo vệ không khí và sức khỏe cộng đồng”.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ha-noi-quyet-liet-bao-ve-moi-truong-huong-toi-cam-xe-may-su-dung-xang-dau-tai-noi-do-tu-nam-2026-post803888.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm