Ngắm những “ca sĩ opera của đại dương”
Vốn là hai người bạn thân ở Sài Gòn, cùng mê mẩn siêu phẩm điện ảnh “Avatar”, Trần Thanh Tâm và Lê Hữu Phước (TP.HCM) đã nhen nhóm ý định một ngày nào đó sẽ đến đất nước Mauritius để ngắm cá voi lưng gù. Bởi cá voi lưng gù chính là ý tưởng vẽ nên nhân vật Tulkun mà đạo diễn James Cameron thể hiện trong phim Avatar 2. Ông cũng là người đam mê lặn biển để ngắm nhìn các sinh nhật biển. Vì vậy, 2 chàng trai đã ấp ủ một ngày nào đó sẽ được đi lặn biển để ngắm loài cá voi độc đáo này.
Hành trình chuyến đi của Tâm và Phước từ TP.HCM – Mauritius là hơn 14.000 km với hơn 19 tiếng bay. “Để tiết kiệm hơn và bay ngắn hơn với cả chặng khoảng 9 giờ bay, bạn có thể bay TP.HCM – Jakatar – Mauritius. Khi đến nơi, chúng mình đã ở quanh khu vực Black river – Tamarin Beach để chuẩn bị cho chuyến săn ảnh cá voi lưng gù”, Tâm chia sẻ.
Ở Maritius, có nhiều loài cá voi khổng lồ như cá voi hoa tiêu (pilot whale – loài cá có màu đen, sống thành từng đàn, di chuyển rất nhanh và thường bị nhầm lẫn do vẻ ngoài gần giống cá heo), cá nhà táng (loài cá voi khổng lồ sống thành từng bầy, có thể lặn sâu 800m để săn loài mực khổng lồ). “Và đặc biệt là loài cá voi lưng gù – hình tượng nhân vật trong siêu phẩm ‘Avartar 2’, loài cá voi được mệnh danh là những ‘ca sĩ opera của đại dương’. Chúng luôn có bài hát riêng để thu hút bạn tình và cũng là loài mình yêu thích nhất từ bé. Cá voi lưng gù đã di chuyển quãng đường hơn 5.000 km để đến đây trong mùa này. Đó cũng là loài cá voi di chuyển nhiều nhất, hằng năm có thể bơi 25.000 km”, Tâm hào hứng.
Hồi hộp lặn ngắm, chụp ảnh cá voi
Nhóm bắt đầu lặn lúc bình minh chưa ló dạng. Trong làn sương lạnh của đại dương, họ hồi hộp chờ những cột nước phun lên khỏi mặt nước cùng với chiếc vây, chiếc đuôi to khổng lồ xuất hiện. Các lái tàu cũng trang bị cho khách công cụ thu âm thanh dưới nước nên hai chàng trai bắt đầu nghe được những bài hát của loài cá voi mệnh danh là “ca sĩ opera của đại dương”, ngoài ra còn có âm thanh của cá nhà táng thường trú ngụ tại đây.
Cho đến khi những cột nước từ mặt biển xuất hiện, Tâm và Phước cố gắng quan sát xem cá voi lưng gù ở đâu. Nhưng người lái tàu – cũng là một nhà hải dương học nói đó là loài cá voi hoa tiêu. “Lại tiếp tục đợi, tụi mình ráng bơi theo và quay được thước phim ngắn về loài này do chúng khá nhút nhát vì kích thước cơ thể nhỏ nên chỉ cần thấy người là chúng bơi đi rất nhanh, rất khó tiếp cận”, Phước kể.
Đang trong lúc nhóm lặn đợi cá voi lưng gù thì một đàn gồm 5 con cá voi nhà táng đột nhiên bơi tới thẳng phía họ. “Thấy đám khách không mời mà tới, chúng tôi có chút hoang mang nhưng theo chỉ dẫn của các nhà hải dương học, tụi mình bơi khẽ tránh nhanh vì đối đầu với chúng là một việc làm không khôn ngoan tí nào”, Tâm hài hước kể.
Thực tế, tuy cá voi nhà táng hiền lành song với kích thước ngang một chiếc xe bus, thì việc bơi gần cá nhà táng, chỉ cần chúng “quẫy đuôi nhẹ” có thể khiến cả nhóm lặn bị văng xa. Phải tới ngày thứ 2 lặn, nhóm của Tâm mới được nhìn thấy cá voi lưng gù.
Lúc này, nhóm phải tắt máy tàu, nhẹ nhàng tiếp cận vì chỉ cần tiếng động lớn, cá sẽ không bơi tới nữa hoặc lặn sâu đến 200m. Khi đủ gần và xác định hướng di chuyển của cá, nhóm lặn sẵn sàng với máy ảnh bơi lại gần đàn cá khoảng 50 – 100m.
“Trong làn nước xanh thẳm của đại dương mà độ sâu phía dưới mình cũng không biết là bao nhiêu, cá voi xuất hiện càng rõ dần, là hai mẹ con. Lần đầu tiên chúng mình nhìn thấy loài cá to lớn hơn cả sức tưởng tượng. Mặc dù trước đó, tụi mình đã lặn với nhiều loại sinh vật khác như loài cá đuối khổng lồ Manta”, Phước nhớ lại.
Lê Hữu Phước
Sau đó, nhóm lặn tiếp tục chờ và được quay, chụp mẹ con cá voi lưng gù một lần nữa. Những ngày lặn kế tiếp họ còn được ghi hình được cả cá voi đực.