Tham dự buổi lễ, về phía khách mời có ông Trịnh Mai Phương, Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn điện lực VN (EVN). Các lãnh đạo đơn vị đồng tổ chức có ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC; ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc; và ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC.
Về phía Báo Thanh Niên có nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; nhà báo Đức Trung, Phó tổng thư ký tòa soạn; và bà Lê Phước Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền thông Báo Thanh Niên.
Nói về ý nghĩa của cuộc thi viết thiết thực ngay từ chính tên gọi, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ: “Sau những cơn mưa thì không khí ngoài trời tại TP.HCM có phần giảm nhiệt, nhưng ở các tỉnh thành khác, đặc biệt là miền Trung và phía bắc, thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều hồ thủy điện đang cận kề mực nước chết, sông suối nhiều nơi dần khô cạn, cùng với hiện tượng El Nino dự báo sẽ quay trở lại vào cuối năm nay, tất cả báo động cho tình trạng thiếu điện vào mùa khô có nguy cơ chực chờ, nếu như tự mỗi chúng ta, tự mỗi gia đình không ý thức được việc tiết kiệm điện”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: “Không chỉ riêng VN, để giải quyết bài toán năng lượng trong bối cảnh nguồn tự chủ năng lượng thấp, nhiều quốc gia như Bỉ, Pháp, Nhật Bản cũng đang kêu gọi người dân “thắt lưng buộc bụng” tiết kiệm điện. Ngoài việc đưa ra lời khuyên hãy sử dụng hoặc thay thế thiết bị sử dụng điện hiệu quả, các nước còn gợi ý cho người tiêu dùng “thông minh” biết lựa chọn những thiết bị, sản phẩm phù hợp trong không gian sống, tính toán khoản lợi hằng năm và thời gian hoàn vốn khi sử dụng. Việc dùng máy lạnh, tủ lạnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất cùng với những “mẹo” tiết kiệm điện, không gây tổn hại cho sức khỏe, vừa đỡ tốn tiền. Thông qua cuộc thi, Báo Thanh Niên và EVNHCMC mong muốn tập hợp được nhiều câu chuyện hay, việc làm hiệu quả về tiết kiệm điện, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp… để mọi người cùng tham khảo, học hỏi”.
Theo ông Phạm Quốc Bảo: “Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025; Công văn của UBND TP.HCM về việc đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn trong mùa khô và năm 2023, chứng tỏ rằng công tác tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả rất cần được chung tay để mọi người, mọi nhà đều có đủ điện để dùng”.
NGƯỜI NỔI TIẾNG CÙNG ĐỒNG LÒNG TIẾT KIỆM ĐIỆN
Ngay tại lễ phát động cuộc thi, các khách mời là những gia đình, doanh nghiệp tiết kiệm điện tiêu biểu của TP.HCM, cùng các nghệ sĩ nổi tiếng cũng có nhiều chia sẻ thú vị về kinh nghiệm tiết kiệm điện.
Bà Nguyễn Tống Ý Nhi (ở 134/1/18F Cách Mạng Tháng Tám, Q.3) kể: “Mỗi khi trên phường hay công ty điện lực đưa tờ rơi về khu dân cư là tôi chắt lọc thông tin dễ hiểu nhất, hướng dẫn gia đình cùng thực hiện đi vào nề nếp. Thời gian sử dụng điện, tôi phân theo giờ cao điểm, thấp điểm rồi ghi lên giấy dán ở các vị trí dễ nhìn nhất tại những khu vực giặt ủi hoặc nấu ăn. Ai cũng thấy nên số tiền tiết kiệm được hằng tháng giúp tôi trang trải nhiều chi phí khác rất hiệu quả”.
Ông Nguyễn Kim Châu, Phó giám đốc khách sạn Majestic, nói về sáng kiến dùng năng lượng mặt trời thay thế cho sử dụng điện lưới khá hiệu quả, khi gần như các thiết bị cung cấp nước nóng, hệ thống đèn LED chiếu sáng của khách sạn đều sử dụng pin năng lượng mặt trời.
Người mẫu, hoa hậu Ai Cập Trương Ngọc Ánh là người của công chúng, tham gia đủ các lĩnh vực và đều thành công; nhưng dù có thu nhập cao, người đẹp vẫn luôn ý thức tiết kiệm điện. “Với các thiết bị sử dụng thường xuyên, tiêu hao điện nhiều nên tôi hay làm vệ sinh cho chúng sạch sẽ. Việc ai trong nhà tiết kiệm tốt cũng có thưởng, có phạt. Như con gái hoặc cháu quên tắt quạt hay đèn thì nhắc nhở, còn các bé thực hiện tốt thì sẽ được thưởng. Còn người nào trong nhà mà lãng phí điện thì sẽ phạt tiền 10.000 đồng, dù không nhiều nhưng cũng là để nhớ. Khi trời nóng, tôi hay tận dụng không gian thoáng đãng ngoài trời bằng cách mở hết các cánh cửa để lấy ánh sáng và gió…, nếu bớt trong phòng có máy lạnh thì cơ thể tiếp xúc không khí tự nhiên càng khỏe mạnh hơn, lại giảm đi số tiền điện phải trả. Tôi nghĩ đơn giản, mình phải tiết kiệm điện để mọi người cùng có điện xài”.
Nói đến việc tiết kiệm, danh hài Minh Nhí lại nhớ đến cha mẹ. “Hồi nhỏ, tôi hay bị la rầy là đứa không biết tiết kiệm. Giờ lớn lên hiểu ra tôi càng ý thức hơn, tôi dạy lại học trò nghiêm khắc lắm. Tôi có phòng giám đốc ngon lành, thiết bị hiện đại nhưng nếu tới sân khấu những ngày nắng nóng như mới đây, thì anh chị thấy thương Minh Nhí cứ ngồi dưới sảnh uống trà đá. Lý do chắc ít ai ngờ tới chính là để… khỏi mở máy lạnh. Mình gương mẫu thì mình dạy học trò mới nghe. Ai mà bật quạt, đi luôn không tắt, xem qua camera thấy là tôi nhắc nhở ngay”.
Để tiết kiệm điện trở thành thói quen, nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh: “Thói quen hình thành từ tính cách. Tính cách thay đổi số phận, chính vì vậy mà việc giáo dục, tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện, theo tôi là việc làm thường xuyên, liên tục, phải hình thành nếp nghĩ cho những người trẻ: Đồng lòng với ngành điện/Toàn dân cùng chung tay/Trong đầu luôn ghi nhớ/Không dùng thì tắt ngay/Hãy tiết kiệm hết ga/Tiết kiệm tới tối đa/Trời nóng phải dịu mát/Từ thói quen mỗi nhà”.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay thực hành thường xuyên tiết kiệm điện, để trở thành thói quen hằng ngày. Những bài dự thi được chọn đăng định kỳ trên các kênh truyền thông của Báo Thanh Niên là những biện pháp tiết kiệm điện thật sự thiết thực, hiệu quả mà các tổ chức, cá nhân đã và đang áp dụng thành công tại gia đình, tổ chức của mình. Và quan trọng hơn cả, đó chính là hiệu quả của việc tuyên truyền thói quen về sử dụng điện tiết kiệm cho toàn thể cộng đồng xã hội.
Chủ tịch HĐTV EVNHCMC Phạm Quốc Bảo
99 triệu đồng giải thưởng cho cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen
Tất cả công dân VN, các đoàn thể, doanh nghiệp đang là khách hàng của ngành điện lực (ngoại trừ CBCNV Báo Thanh Niên và EVNHCMC) đều có thể tham gia. BTC không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi. Thể loại: Bài viết, ghi chép.
Tác phẩm thể hiện trách nhiệm của người tiêu dùng về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu; là một hoạt động nhằm tạo ra ý thức và thay đổi hành vi tiêu dùng năng lượng của người tham gia, từ đó giúp giảm thiểu sử dụng điện năng và bảo vệ môi trường.
Khuyến khích người tham gia chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp. Qua đó tạo ra một môi trường hỗ trợ và tạo động lực cho nhau để duy trì thói quen tiết kiệm điện.
Hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, điều chỉnh nhiệt độ hợp lý và sử dụng ánh sáng tự nhiên… để có thể giảm tiêu thụ điện một cách đáng kể, không chỉ giúp tiết kiệm tiền điện mà còn mang lại lợi ích bền vững cho môi trường và giảm nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng.
Tác phẩm dự thi bằng tiếng Việt không quá 800 chữ, đính kèm hình ảnh liên quan hoặc hình ảnh minh họa của chính tác giả và phải là những sáng tác mới, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào.
Bài viết có thể đánh máy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4 ghi đầy đủ thông tin, đúng theo thể lệ quy định (có đăng trên thanhnien.vn) và gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn; hoặc gửi theo đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Tổng giải thưởng của cuộc thi viết là 99 triệu đồng và quà tặng.
Chi tiết thể lệ và giải thưởng cuộc thi, kính mời bạn đọc xem tại đây: https://thanhnien.vn/the-le-cuoc-thi-viet-chu-de-tiet-kiem-dien-thanh-thoi-quen-185230523163842225.htm
Quỳnh Trân