Dòng hải lưu, nước biển và vi khuẩn ăn kim loại khiến xác tàu Titanic phân hủy nhanh chóng và có thể biến mất sau vài chục năm nữa.
Sáng sớm ngày 15/4/1912, tàu RMS Titanic chìm xuống độ sâu hơn 3.657 m bên dưới mặt nước, khiến 1.517 người thiệt mạng. Khi đó, con tàu đang trong hành trình đầu tiên tới New York, nhưng va vào núi băng trôi cách Newfoundland khoảng 643 km. Xác tàu nằm im lìm trong hơn 70 năm trong tới khi được Hải quân Mỹ tình cờ phát hiện trong một nhiệm vụ bí mật thời Chiến tranh Lạnh vào ngày 1/9/1985. Từ sau đó, hàng chục tàu lặn không người lái và có người lái đã tới thăm tàn tích dưới nước của tàu Titanic, theo Business Insider.
“Giống như mọi thứ, cuối cùng, tàu Titanic sẽ biến mất hoàn toàn. Sẽ mất một thời gian dài trước khi điều đó xảy ra, nhưng hiện tượng phân hủy của xác tàu nằm trong dự kiến và là một quá trình tự nhiên”, Patrick Lahey, chủ tịch kiêm nhà đồng sáng lập công ty Triton Submarines, cho biết.
Lahey tham gia 3 trong số 5 chuyến lặn của tàu Triton hồi tháng 8 năm ngoái. Do chưa bao giờ ghé thăm xác tàu trước đây, ông không thể xác định tình trạng xác tàu dựa trên quan sát cá nhân. Nhưng nhiều chuyên gia đồng ý con tàu trông rất khác so với các chuyến thám hiểm trước đây. Theo Lahey, tàu Titanic đang thất bại trong cuộc chiến chống lại những yếu tố tự nhiên. Dòng hải lưu dưới biển sâu, nước biển ăn mòn và vi khuẩn ăn kim loại đang gọt dần xác tàu nằm ở độ sâu hơn 3,2 km dưới mặt biển.
Nhà sinh vật học vi khuẩn Lori Johnston cho biết quá trình phân hủy đến từ một nhóm vi khuẩn mang tên Halomonas titanicae. Khi vi khuẩn gặm nhấm thép từ xác tàu đắm, chúng khiến cấu trúc giống thạch nhũ hình thành trên xác tàu. Những cột trụ màu nâu đỏ đó được gọi là rusticle.
Theo Henrietta Mann, nhà khoa học đồng phát hiện loại vi khuẩn trên vào năm 2010, dựa trên thước phim thám hiểm mới nhất, tàu Titanic chỉ tồn tại 30 năm nữa trước khi biến mất. Con tàu đã nằm ở đáy biển 107 năm giữa dòng hải lưu mạnh và ngâm trong nước biển. Tốc độ phân hủy của tàu Titanic tăng lên khi các tầng trên của tàu đổ nát. Nếu một tầng ở phía trên hư hỏng, nó sẽ sụp đổ lên tầng tiếp theo. Quá trình phá hủy tiếp nối từ tầng này tới tầng khác.
Quá trình sụp đổ trên đã phá hủy một trong những khu vực nổi tiếng nhất của xác tàu là phòng của thuyền trưởng Edward Smith. Năm 1996, đồ đạc bên trong phòng ở mạn bên phải của tàu Titanic, bao gồm bồn tắm, vẫn có thể nhìn thấy rõ. Hiện nay, căn phòng không thể nhìn thấy nữa do rơi xuống sâu bên trong xác tàu. Theo sử gia chuyên nghiên cứu tàu Titanic Parks Stephenson, mạn bên phải của tàu Titanic là khu vực phân hủy gây sốc nhất. Toàn bộ sàn ở phía đó đổ sụp, kéo theo các phòng ngủ lớn, và quá trình phân hủy vẫn tiếp tục diễn ra.
Thước phim gần đây của tàu lặn Triton sẽ được sử dụng trong bộ phim tư liệu sắp ra mắt của Atlantic Productions. Hôm 18/6, tàu lặn Titan chở 5 hành khách tham quan xác tàu Titanic mất tích. Con tàu thuộc sở hữu của công ty OceanGate Expeditions đang đưa hành khách quan sát cận cảnh xác tàu thì mất liên lạc sau hai giờ. Hành khách phải trả 250.000 USD cho chuyến đi tới độ sâu gần 4.000 m.
An Khang (Theo Business Insider)