Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khởi nghiệp từ bo mạch nhỏ đến ước mơ lớn

ĐNO - Tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng” năm 2025, sản phẩm Kit lập trình Robot Circle-bit của anh Lê Văn Lập (phường Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng) được trao giải Ba nhờ tính ứng dụng cao trong giảng dạy STEM.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng16/07/2025

Đó là hành trình gần 10 năm kiên trì nghiên cứu của anh Lập, từ các đơn hàng thiết kế bo mạch lẻ trên mạng đến việc hỗ trợ kỹ thuật cho học sinh tham gia các cuộc thi khoa học - kỹ thuật tại địa phương.

2.jpg
Anh Lê Văn Lập nghiên cứu, thiết kế các bo mạch cho đối tác trên toàn cầu. Ảnh: PHAN VINH

Về quê khởi nghiệp

Tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Cơ điện tử tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, anh Lê Văn Lập từng làm việc trong các công ty FDI ở tỉnh thành phía Nam, chuyên mảng nghiên cứu, cải tiến máy móc và thiết kế sản phẩm hỗ trợ vận hành cho các dây chuyền tự động hóa.

Một thời gian sau, anh Lập nhận ra tại quê nhà vẫn còn thiếu vắng các hoạt động nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục công nghệ. Năm 2020, anh quyết định quay về Tam Kỳ, tập trung thời gian cho công việc online, nhận thiết kế mạch điều khiển điện tử từ các đơn hàng nhỏ trên kênh Kết nối kỹ sư điện tử toàn cầu.

1.jpg
Anh Lập hướng dẫn học sinh lắp ráp robot. Ảnh: PHAN VINH

Những dự án đầu tiên anh nhận chỉ trị giá khoảng 20 - 30 đô la Mỹ, có khi là các bản mạch đơn giản dùng điều khiển đèn LED hoặc cảm biến ánh sáng... Tiếp đó là những bản mạch nhiều lớp, tích hợp vi điều khiển, điều khiển động cơ chính xác trong thiết bị công nghiệp có giá trị vài nghìn đô la Mỹ.

[VIDEO] - Anh Lê Văn Lập chia sẻ lý do về quê khởi nghiệp với ngành công nghệ điện tử:

Anh Lập chia sẻ: “Tôi làm rất nhiều mạch điều khiển từ xa, mạch cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, thiết bị tự động hóa trong nhà máy. Mỗi dự án là một trải nghiệm, có cái thử nghiệm rồi hỏng, phải sửa đi sửa lại. Nhưng càng làm nhiều tay nghề càng lên, mình học được cách tối ưu, biết cách tránh lỗi, hiểu hơn về hệ thống chứ không đơn thuần là vẽ mạch nữa”.

Gần 10 năm làm nghề, anh Lập đã thiết kế hàng trăm bo mạch với nhiều chức năng khác nhau, từ điều khiển động cơ, cảm biến, hiển thị LCD đến các module dùng trong thiết bị nhà thông minh, máy nông nghiệp... Hiện tại anh còn quản lý trang “KiCad Việt Nam” hơn 3.000 thành viên, chuyên hỗ trợ các bạn trẻ học tập và trao đổi kiến thức về thiết kế PCB (bảng mạch in) hoàn toàn miễn phí, phục vụ vì cộng đồng.

5.jpg
Anh Lập (thứ 3 từ phải sang) cùng nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tam Kỳ) tham gia một cuộc thi sáng tạo robot. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời đại bây giờ, công nghệ phát triển rất nhanh, nhưng khoảng cách tiếp cận giữa đô thị và vùng quê vẫn còn khá xa. Tôi chọn cách làm âm thầm, thiết kế các bo mạch nhỏ để đưa công nghệ trở nên đơn giản, gần gũi và quan trọng là ai cũng có thể thử làm, kể cả học sinh trung học.

Anh Lê Văn Lập

Dự án thiết bị giáo dục STEM

Thời gian hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm học sinh tham gia cuộc thi STEM, Robocon cấp trường, anh Lập nhận thấy nhiều em phải dùng các bo mạch rời để lắp robot, mỗi chức năng là một mạch nhỏ, nhiều dây nối chằng chịt, dễ lỏng, khó kiểm soát và đặc biệt rất dễ nhầm lẫn.

Từ thực tế đó, anh bắt đầu nghiên cứu tích hợp các chức năng chính vào một bản mạch duy nhất. Sau gần một năm cải tiến, sản phẩm Kit lập trình Robot Circle-bit ra đời. Đây là bộ điều khiển mạch tích hợp dùng trong giảng dạy STEM, có khả năng kết nối với nhiều loại cảm biến, động cơ, hiển thị và giao tiếp dữ liệu qua các chuẩn công nghiệp như I2C, SPI, CAN hay Bluetooth, Wifi.

Bo mạch có kích thước nhỏ gọn chỉ 50x50mm nhưng có tới 30 chân mở rộng, cho phép học sinh thoải mái kết nối các thiết bị ngoại vi mà vẫn giữ được sự gọn gàng, dễ thao tác.

3.jpg
Sản phẩm Kit lập trình Robot Circle-bit của anh Lê Văn Lập. Ảnh: PHAN VINH

“Trước đây, các bạn phải mua rất nhiều mạch đơn lẻ. Mỗi mạch chỉ làm một việc, một cái đọc cảm biến, một cái điều khiển động cơ, một cái lưu dữ liệu… Dây nối nhiều, dễ hỏng và rất khó sửa. Tôi tích hợp lại thành một thiết bị nhỏ, giá rẻ hơn, lại dễ lắp ráp. Quan trọng nhất là giúp các em không bị rối, tập trung vào tư duy lập trình thay vì loay hoay với phần cứng” - anh Lập nói.

[VIDEO] - Anh Lê Văn Lập chia sẻ về sản phẩm Kit lập trình Robot Circle-bit:

Với những tính năng tích hợp linh hoạt, khả năng kết nối mạnh và phần mềm lập trình thân thiện (Arduino, giao diện kéo thả…), sản phẩm Kit Circle-bit giành giải Ba tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng” năm 2025, trở thành một trong những dự án khởi nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực thiết bị giáo dục STEM do người Đà Nẵng phát triển.

Theo bản mô tả dự án, sản phẩm có thể mở rộng dùng trong các mô hình IoT, điều khiển thiết bị thông minh, tự động hóa và nghiên cứu lập trình robot nâng cao. Giá bán dự kiến mỗi kit chỉ khoảng 150 nghìn đồng, mức chi phí phù hợp với học sinh phổ thông.

4.jpg
Anh Lập (bìa phải) hỗ trợ nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Du (phường Bàn Thạch) đoạt giải Thiết kế tại Ngày hội Open STEM Day 2024 - 2025 do Trường THPT FPT Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi đang hoàn thiện bộ tài liệu kỹ thuật, chuẩn bị nộp đăng ký sở hữu trí tuệ cho bản thiết kế và tìm cơ hội để thương mại hóa sản phẩm. Về lâu dài, tôi muốn phát triển thêm các bo mạch tích hợp gần gũi với đời sống hơn như cảm biến trồng rau, hệ thống tưới thông minh, mô hình điều khiển cho các cuộc thi sáng tạo cấp cơ sở” - anh Lập chia sẻ thêm.

Anh Lập đã hỗ trợ nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tam Kỳ) đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Sáng tạo Robot MUCE mở rộng” lần thứ 3 - năm 2025 do Trường Đại học Xây dựng Miền Trung phân hiệu Đà Nẵng tổ chức.

Một nhóm khác tại Trường THCS Nguyễn Du (phường Bàn Thạch) do anh hỗ trợ kỹ thuật cũng giành giải Thiết kế tại Ngày hội Open STEM Day 2024 - 2025 do Trường THPT FPT Đà Nẵng tổ chức.

Nguồn: https://baodanang.vn/khoi-nghiep-tu-bo-mach-nho-den-uoc-mo-lon-3296998.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm