Trên địa bàn huyện Kim Sơn thời gian qua, hoạt động bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống được các cơ quan, đơn vị, địa phương rất quan tâm bằng việc tổ chức các lớp tập huấn, lớp học, biểu diễn công bố, giao lưu với các địa phương trong tỉnh. Qua đó từng bước đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống lan tỏa, phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng chí Phạm Văn Sang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kim Sơn cho biết: Tại huyện Kim Sơn vốn có gốc tích về hát Chèo từ năm 1954, ban đầu là một gánh hát rồi hình thành nên chiếu Chèo và phát triển thành đoàn Chèo với tên gọi Năm Dân. Những năm 1974, 1975 là khoảng thời gian rất thịnh của đoàn Chèo Năm Dân khi đi lưu diễn thường xuyên ở khắp các tỉnh, thành phía Bắc và thu thanh nhiều tác phẩm Chèo hay trên Đài tiếng nói Việt Nam.
Theo thời gian, với sự phát triển của các loại hình nghệ thuật hiện đại, mới mẻ trong đời sống xã hội, Đoàn Chèo Năm Dân bị chia tách và dần mai một. Đến năm 2017, với mong muốn khôi phục và tôn vinh nghệ thuật Chèo truyền thống, huyện Kim Sơn thành lập CLB hát Chèo với gần 30 thành viên, tập hợp nhiều hạt nhân văn nghệ có tố chất, khả năng biểu diễn và say mê với nghệ thuật hát Chèo. Hàng năm, CLB Chèo phục vụ vào các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị của địa phương; thường xuyên biểu diễn tại các đền, chùa và tích cực tham gia vào các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh.
Nhằm khôi phục, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc của Ca trù, đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, năm 2018, huyện Kim Sơn đã thành lập CLB Ca trù, với trên 20 thành viên. Những người tham gia CLB là những giáo viên dạy âm nhạc ở các trường học và những người có năng khiếu, yêu thích Ca trù trên địa bàn huyện. Ở họ có chung một tình yêu và niềm đam mê, không phân biệt tuổi tác, thế hệ. Điều đáng trân trọng là, với mong muốn và quyết tâm khôi phục lại nghệ thuật hát Ca trù, huyện Kim Sơn đã tổ chức nhiều lớp học cơ bản và nâng cao do các nghệ nhân ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh – quê hương của cụ Nguyễn Công Trứ và các thành viên trong CLB Ca trù Xuân Đỉnh, thành phố Hà Nội trực tiếp về truyền dạy. Đây là những người am tường và có kiến thức, kỹ năng sâu về loại hình nghệ thuật này.
Với sự đam mê, mong muốn giữ gìn di sản vô giá của dân tộc, những nghệ nhân đã nỗ lực trao truyền, đào tạo, góp phần làm sống dậy niềm yêu thích Ca trù cho những người dân vùng đất Kim Sơn. Định kỳ hàng tháng, tại Đền thờ Nguyễn Công Trứ, những người con của vùng đất mở Kim Sơn lại tập hợp về đây để tập luyện, giao lưu. Tiếng trống chầu, tiếng đàn đáy, sênh, phách và lời hát luyến láy lại vang vọng trầm bổng giữa không gian thờ tự trang nghiêm, cùng nhau góp sức làm sống dậy loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.
Hiện nay, những làn điệu Ca trù đã dần quay trở lại với đời sống người dân trong huyện. Bên cạnh những làn điệu Ca trù cổ, đã có nhiều sáng tác mới mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, như ca ngợi cảnh đẹp, con người Kim Sơn, với lời ca gần gũi, dễ nghe, dễ nhớ, giúp cho loại hình nghệ thuật này được lan tỏa và đến gần hơn với các tầng lớp khán giả.
Đối với nghệ thuật trình diễn dân gian hát Xẩm, năm 2021, theo Quyết định số 76/ QĐ-BVHTTDL ngày 12/1/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, huyện Kim Sơn nằm trong địa bàn phân bố bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm.
Trên cơ sở đó, cuối năm 2021, huyện Kim Sơn được Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trung tâm dữ liệu di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam triển khai thí điểm mô hình truyền dạy nghệ thuật hát Xẩm tại huyện Kim Sơn với mục tiêu triển khai một số cách thức truyền dạy nghệ thuật hát Xẩm đến những hạt nhân tiêu biểu tại địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, 20 học viên có chuyên môn, năng khiếu về âm nhạc, chủ yếu là giáo viên dạy âm nhạc ở các trường phổ thông, sau đó trở thành hạt nhân, cộng tác viên để truyền dạy, nhân rộng đối tượng hát Xẩm trong các phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn và lan tỏa trong học sinh các trường phổ thông.
Năm 2022, huyện Kim Sơn tiếp tục tổ chức tập huấn về hát Xẩm và sử dụng nhạc cụ. Hiện trên địa bàn đã thành lập CLB hát Xẩm của huyện với trên 30 thành viên, góp phần cùng với huyện Yên Mô và các huyện, thành phố trong tỉnh bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm của dân tộc.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn như nghệ thuật hát Chèo, hát Ca trù, hát Xẩm, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du lịch trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện Kim Sơn có một số định hướng như: Hàng năm tiếp tục tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng cho các CLB nghệ thuật truyền thống của huyện.
Tuyên truyền mở rộng đối tượng, thu hút những người yêu thích văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn có nhiều nhân tố, thúc đẩy phong trào nghệ thuật truyền thống phát triển ở cơ sở.
Tạo điều kiện cho các CLB nghệ thuật truyền thống hát Chèo, hát Xẩm, Ca trù của huyện, của các xã, thị trấn được biểu diễn, giao lưu học hỏi trong tỉnh, ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền đến người dân về các loại hình nghệ thuật truyền thống, huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, mạng xã hội về các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Xẩm, hát Chèo, hát Văn, Ca trù…, khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các địa phương, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần nâng cao công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bài, ảnh: Đức Bá