Cách trung tâm xã Lùng Khấu Nhin gần 10km, thôn Nậm Đó có 72 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Trưởng thôn Tẩn Khấy Sủ cho biết: Nhiều năm qua, bà con Nhân dân trong thôn chủ yếu là trồng cây ngô, cây lúa; vất vả nhưng may ra chỉ đủ ăn. Những năm thiên tai, hạn hán thì nguy cơ mất mùa thiếu đói là rất cao. Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương, thôn Nậm Đó đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó, tập trung vào việc mở rộng diện tích trồng chè hàng hóa.
Theo đó, từ năm 2016, một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác của gia đình sáng trồng cây chè. Hiệu quả từ cây chè thấy rõ từ năm thứ 3, khi cây chè bắt đầu cho thu hoạch và thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Từ kết quả này, bà con Nhân dân đã tích cực chuyển đổi những diện tích đất canh tác không hiệu quả sang trồng cây chè.
“Hiện nay, cả thôn có 72 hộ thì có 71 hộ tham gia trồng chè. Cây chè đã góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo cho bà con; nếu như năm 2022 cả thôn có 55 hộ nghèo, thì hết năm 2023 số hộ nghèo còn 41 hộ, giảm được 14 hộ”, anh Sủ cho biết thêm.
Là một trong 5 xã nghèo của huyện Mường Khương, năm trong tốp 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, thời gian qua công tác giảm nghèo được xã Lùng Khấu Nhin đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, các chương trình văn hoá – xã hội, giáo dục, y tế, dân số, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo… phát huy hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo.
Ông Đặng Công Huân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, trong đó có các CT MTQG thực sự là nguồn lực vô cùng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở Lùng Khấu Nhin. Từ nguồn lực này, xã có điều kiện để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.
Hiện nay, cùng với các cây, con truyền thống, xã Lùng Khấu Nhin tập trung tuyên truyền, vận động bà con đưa cây chè vào trồng. Cụ thể, đến thời điểm này toàn xã có 403,5 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 200 ha, năng suất đạt 80 tạ/ha, sản lượng 1.614 tấn/năm. Tổng số hộ tham gia trồng chè là 484/684 hộ, chiếm 70,76% tổng số hộ của xã. Riêng trong năm 2023 vừa qua, toàn xã trồng mới được gần 60ha chè hàng hóa.
“Khi tham gia trồng chè bà con Nhân dân được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha từ nguồn lực CT MTQG. Chính vì vậy, bà con rất phấn khởi và đồng thuận với chủ trương của xã, huyện trong việc đưa cây chè vào trồng. Hiện nay, cây chè đã trở thành cây xóa đói cho bà con Nhân dân trong xã. Thể hiện rõ ở tỷ lệ giảm nghèo của xã trong những năm qua. Cụ thể, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 454 hộ chiếm 68,27%; năm 2022 số hộ nghèo giảm còn 387 hộ chiếm 57,50%; hết năm 2023 con số này còn 332 hộ chiếm 48,54%…”, ông Huân thông tin.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, thì việc củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa. Thống kế cho thấy, từ nguồn lực các CT MTQG đến nay xã Lùng Khấu Nhin đã đầu tư, mở mới 8 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài là 19,15km. Làm mới 01 công trình Cấp nước sinh hoạt với chiều dài 4km, phục vụ nước sạch cho 72 hộ dân và 01 điểm trường Mầm non và tiểu học.
“Hệ thống giao thông của xã đã được nâng cấp lên nhiều, giúp người dân đi lại thuận lợi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, ông Huân khẳng định.
Có thể nói, các CT MTQG đã và đang góp phần “thay da, đổi thịt” ở xã nghèo Lùng Khấu Nhin. Năm 2024, tổng vốn kế hoạch giao cho xã là 3.462 triệu đồng; trong đó, vốn CT MTQG 1719 là 1.893 triệu đồng, vốn CT MTQG giảm nghèo bền vững là 1.569 triệu đồng. Cấp ủy, chính quyền xã đã và đang tập trung đẩy mạnh giải ngân nguồn lực quan trọng này để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư; qua đó, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo cho Nhân dân trong xã.