Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), một con đồi mồi nặng 8kg đã may mắn được hai du khách cứu thả về biển khi đang bị mắc kẹt trong một đống rác là lưới đánh bắt cá.
Cụ thể, chiều 15/5, trên đường tới vịnh Đầm Tre bằng đường rừng, khi đi qua Bãi Vông thì hai vị khách tên Kim và Jos (du khách đến từ Hà Lan) đã phát hiện một đống rác là lưới đánh bắt cá, có cử động. Khi đến gần, anh Jos phát hiện 1 cá thể đồi mồi đang bị mắc kẹt trong đám lưới này.
Ngay lập tức, anh Jos đã giải cứu chú đồi mồi và thả về với biển. Chị Kim, bạn đồng hành của anh Jos đã quay lại clip và hình ảnh để báo cáo với lực lượng kiểm lâm.
Qua kiểm tra của lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thì đây là một con đồi mồi biển, trọng lượng 8kg. Đây là một trong năm loài rùa biển quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam.
Số liệu thống kê về công tác bảo tồn Rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo qua 30 năm (1993-2022) cho thấy, những năm gần đây, nhờ tiến hành các biện pháp quản lý, bảo vệ và bảo tồn mà số lượng rùa biển về lại các bãi đẻ ở Vườn quốc gia Côn Đảo có chiều hướng gia tăng, đặc biệt nhờ thực hiện giải pháp quản lý, bảo vệ và đầu tư hệ thống hồ ấp, trại ấp, công tác theo dõi, cứu hộ, trang thiết bị phục vụ cho việc di dời và ấp trứng rùa, quản lý kiểm soát và thả rùa con về biển hằng năm nên số lượng đàn rùa con được thả về biển hằng năm đều gia tăng.
Nếu như năm 1993 số lượng rùa con nở và thả về biển là 15.312 con thì đến năm 2003 rùa con nở và thả về biển là 29.260 con, năm 2013, rùa con nở và thả về biển là 108.716 con và năm 2022 rùa con nở và thả về biển là 207.237 con.
Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng đã đeo thẻ cho 6.611 rùa mẹ để nghiên cứu các đặc tính sinh thái, sinh vật học; di dời cứu hộ thành công 36.939 tổ rùa biển với 3.211.535 trứng, thả về biển 2.419.295 cá thể rùa con (tỷ lệ nở thành công 75,33%).
Theo Wikipedia, đồi mồi là một loài rùa biển thuộc họ Vích (Cheloniidae). Loài này phân bố khắp thế giới, với hai phân loài Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Bề ngoài của đồi mồi cũng giống như các loài rùa biển khác. Cơ thể của chúng tương đối dẹp, có mai lớn để bảo vệ cơ thể, và các chi giống mái chèo, thích nghi với việc bơi trong đại dương. Có thể dễ dàng phân biệt loài rùa biển này với các loài rùa biển khác nhờ chiếc mỏ cong, sắc nhọn với tomium hiện ra rõ rệt, rìa mai của chúng có dạng cưa.
Đồi mồi thay đổi màu sắc yếu tùy thuộc vào nhiệt độ của nước. Trong phần lớn cuộc đời, đồi mồi sinh sống chủ yếu ở đại dương. Chúng thường bị bắt gặp ở các đầm nước nông hoặc các rạn san hô. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp loại đồi mồi ở cấp cực kỳ nguy cấp. Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cấm săn bắt và thương mại các sản phẩm từ đồi mồi dưới mọi mục đích.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-con-dong-vat-hoang-da-o-con-dao-bi-mac-ket-trong-luoi-du-khach-nguoi-ha-lan-giai-cuu-tha-ve-bien-20240515185204925.htm