Ngành nông nghiệp đóng góp ấn tượng cho xuất khẩu vùng Tây Nguyên năm 2023
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, ngành nông nghiệp vùng Tây Nguyên đã có những đóng góp ấn tượng cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2023, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: Gạo, rau quả, hạt điều…
Tại thị trường châu Âu – châu Mỹ, trong năm 2023, xuất khẩu nhóm nông sản chính của Việt Nam (7 mặt hàng bao gồm: Chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, hàng rau quả, cao su, và cà phê) sang thị trường này đạt xấp xỉ 5,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,65% so với năm 2022.
Sản phẩm rau quả xuất khẩu sang thị trường châu Âu – châu Mỹ của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong vài năm vừa qua. Năm 2023 giá trị xuất khẩu sang khu vực thị trường này đạt 615,4 triệu USD, tăng 11,2%. Trong 3 tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu ngành này cũng tăng 25,7%, đạt 159 triệu USD.
Ngành nông nghiệp đóng góp ấn tượng cho xuất khẩu vùng Tây Nguyên năm 2023 |
Đáng chú ý, sản phẩm gạo của Việt Nam đón nhận tích cực từ thị trường châu Âu – châu Mỹ. Năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng tới 50%, đạt 64 triệu USD. Hai tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu tăng 15,8%, đạt 16,0 triệu USD.
Bên cạnh đó, năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Âu, châu Mỹ đã cán đích thành công với giá trị 2,33 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với năm 2022, bất chấp lượng dự trữ cà phê của Việt Nam hiện đang rất ít trong khi nguồn cung eo hẹp, tình hình lạm phát vẫn chưa được kiểm soát tốt, lãi suất tăng cao tại cả EU và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục.
Nối tiếp đà tăng trưởng, trong 3 tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu cà phê tăng 51,9%, đạt 1,04 tỷ USD.
Hạt điều tiếp tục duy trì vị thế là nhà xuất khẩu lớn nhất vào thị trường EU và Hoa Kỳ trong năm 2023. Tính đến hết năm 2023, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang khu vực Âu Mỹ đạt 1,78 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2022. Chỉ trong quý I/2024, xuất khẩu điều sang khu vực châu Âu – châu Mỹ đạt giá trị 410 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, theo số liệu Hải quan Việt Nam năm 2023 và 2024, gỗ và các sản phẩm gỗ là mặt hàng tiềm năng hàng đầu cho các doanh nghiệp. Sản phẩm gỗ mặc dù chứng kiến kim ngạch sụt giảm -16.5% trong năm 2023 nhưng trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng đột biến trở lại, đạt 2,16 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ 2023.
Một số thị trường xuất khẩu gỗ hàng đầu của Việt Nam trong năm 2023 là: Hoa Kỳ (7,3 tỷ USD), Canada (205,5 triệu USD), Vương quốc Anh (195 triệu USD), Pháp (405,5 triệu USD)…
Nắm cơ hội, vượt thách thức để đón tin vui trong năm 2024
Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức và khó đoán định. Năm 2024, tốc tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu – châu Mỹ dự báo thấp hơn so với năm 2023.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác.
Không những vậy, các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng. Đó là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Dẫu vậy, Tây Nguyên được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng và có nhiều cơ hội. Theo đánh giá, vùng Tây Nguyên có đất đai phong phú, khí hậu thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Với hơn 5 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan và có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng.
Do đó, Tây Nguyên trở thành trọng điểm sản xuất các loại nông sản chủ lực của cả nước như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, mắc-ca… cùng nhiều loại cây ăn quả.
Cần tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do để phát triển ngành nông nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Bộ Công Thương |
Không những vậy, Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu đặc biệt khi sở hữu tới 16 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định với các nước, khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ bao gồm: EVFTA, UKVFTA, VN-EAEU, CPTPP, Việt Nam – Chile.
Nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024.
Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ giúp Việt Nam.
Nếu thuận lợi, nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức, ngành nông nghiệp tiếp tục có những bứt phá, đóng góp cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024, xuất khẩu sang khu vực Âu – Mỹ có khả năng đạt mức tăng trưởng 3-5% (trong đó xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ tăng khoảng 2%).
Trong năm 2024, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu – châu Mỹ. Cụ thể, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp xây dựng các chiến lược/kế hoạch thích ứng phù hợp. Tích cực phối hợp với các bên liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương triển khai 4 Chiến lược phát triển 4 khu vực thị trường EU, Hoa Kỳ, Mỹ La tinh, SNG từ nay tới năm 2030. Vụ chủ trì tiếp tục triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương các hoạt động Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022. Phối hợp cùng các chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp của các Thương vụ tại thị trường châu Âu – châu Mỹ, bao gồm các webinar kết nối doanh nghiệp, hội chợ triển lãm… |