Đổi mới cách ra đề thi
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tuy nhiên, chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của chương trình GDPT 2018.
Trong số 15 đề thi tham khảo các môn đã được công bố, duy nhất môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, 14 môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D. Bộ GDĐT cho hay, đề thi môn Ngữ văn được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu.
Trước đó, từ năm 2022, nhằm đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, ra đề thi môn Ngữ văn, khắc phục tình trạng đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản số 3175, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, áp dụng từ năm học 2022 – 2023.
Theo đó, việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn, Bộ GDĐT yêu cầu cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa (SGK) làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề thi mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.
Đổi mới từ giáo viên
Nhiều giáo viên đồng tình với yêu cầu đổi mới cách dạy và học văn trong nhà trường phổ thông. Cô Hoa Chi – giáo viên Trường THPT Ngô Thì Nhậm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc đổi mới đề thi, kiểm tra là tiền đề để xóa bỏ lối học vẹt, học tủ, đọc chép văn mẫu đã ăn mòn vào tư duy một bộ phận giáo viên, học sinh hiện nay. Theo đó, sự đổi mới cách thức ra đề này là hướng đi hay, hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nền giáo dục. Một mặt giúp khắc phục được cách dạy và học truyền thống theo kiểu đọc chép, ghi nhớ kiến thức thụ động của cả giáo viên và học sinh. Mặt khác, hạn chế tối đa lối học tủ, học vẹt, học lệch như một lối mòn của học sinh hiện nay.
Tuy nhiên, theo cô Chi, để có thể ra đề thi theo hướng mở trong quá trình dạy học, vai trò của giáo viên là quan trọng nhất. Thầy cô sẽ chèo lái, định hướng cho học sinh có được phương pháp học tập, giúp tiếp cận đề thi theo hướng mở dễ dàng hơn.
Liên quan đến việc đổi mới dạy học, tiếp cận môn Ngữ Văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn cho rằng, sách mới hiện nay khắc phục hiện tượng học sinh chỉ chép lại văn mẫu cho thi cử.
Theo ông Thống, giáo viên phải trang bị cho các em văn hóa phổ thông, mà trước hết ở môn Ngữ văn là học sinh đọc văn bản phải hiểu, viết được đoạn văn rõ ràng sáng sủa, diễn đạt trung thành ý nghĩ mình, diễn đạt từ đúng đến hay và nói lưu loát, tự tin. Đổi mới phải gắn với tính thiết thực, đó chính là phải bám sát cuộc sống.
Cấu trúc đề Ngữ văn không quá khó
Theo cô giáo Vương Thúy Hằng – giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI: Phân tích đề tham khảo có thể thấy, cấu trúc, ngữ liệu và nội dung hỏi trong đề thi tương đối quen thuộc, không hề khó. Nếu có quá trình ôn luyện tốt, nắm vững các yêu cầu về việc đọc – hiểu văn bản văn học, kỹ năng viết bài văn nghị luận thì các thí sinh dễ dàng đạt được 7,5 – 8,25 điểm. Đối với học sinh sinh năm 2006, đây có lẽ là sự thuận lợi vì các em sẽ không quá lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp, mà có thể dành nhiều thời gian hơn cho những kỳ thi tuyển sinh, đánh giá năng lực đang được triển khai.