Chị Lý Sao Mai, trưởng nhóm sản xuất giấy dó xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) thực hiện quy trình lọc, đổ khuôn giấy dó.
Trò chuyện cùng nghệ nhân Lý Văn Hềnh, một bậc cao niên trong xóm, ông chia sẻ: "Từ xa xưa, người Dao Tiền đã sử dụng giấy dó để ghi chép sách cúng, sách hát, gia phả… Những tài liệu quý ấy được viết bằng chữ Nôm Dao, truyền lại qua nhiều thế hệ, góp phần gìn giữ kho tàng tri thức dân gian phong phú. Ngoài ra, giấy dó còn là chất liệu không thể thiếu trong các nghi lễ tín ngưỡng quan trọng như lễ cấp sắc, ma chay, cưới hỏi, tết nhảy, thanh minh… Đặc biệt, với người Dao chúng tôi giấy dó không chỉ là giấy, đó là nơi ẩn chứa linh hồn tổ tiên, là nơi con cháu tìm về cội nguồn. Nếu không có giấy dó thì không còn sách cúng, không còn lễ nghi đúng nghĩa và một phần ký ức dân tộc sẽ vĩnh viễn mất đi”.
Giấy dó của người Dao xóm Sưng được làm hoàn toàn thủ công, nguyên liệu chính là vỏ cây dó - loại cây mọc tự nhiên trong rừng có vỏ dày, chứa nhiều xơ sợi dài, dai và mảnh. Sau khi bóc vỏ, nguyên liệu phải ngâm nước vôi ít nhất 3 tháng, sau đó giã hoặc xay nhuyễn, đãi lọc tạp chất bằng "liềm seo” - một công cụ truyền thống tinh xảo, rồi đổ khuôn, ép và phơi khô.
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật điêu luyện. Chỉ cần đổ giấy không đều tay, mẻ giấy sẽ bị hỏng. Do không sử dụng hóa chất nên giấy không bị axit hóa, có thể bảo quản hàng trăm năm mà chữ không mờ, mực không nhòe. Thành phẩm giấy dó xốp, mịn, dai, thấm hút tốt, là chất liệu lý tưởng để viết tay, vẽ tranh hoặc in ấn thủ công.
Có thời điểm, nghề làm giấy dó ở xóm Sưng tưởng chừng mai một. Cây dó từng bị người dân chặt làm củi, hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc. Chỉ còn vài hộ gia đình giữ nghề, chủ yếu phục vụ cho mục đích tâm linh.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng du lịch, nghề giấy dó ở xóm Sưng từng bước được phục hồi và phát triển. Người dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thiết bị, vật tư, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chị Lý Sao Mai, trưởng nhóm sản xuất giấy dó xóm Sưng cho biết: "Trước đây chỉ vài nhà còn giữ nghề, nhưng nay đã có cả nhóm cùng làm. Chúng tôi không chỉ sản xuất giấy truyền thống mà còn thiết kế các sản phẩm sáng tạo như sổ tay, bưu thiếp, đèn lồng, hoa tai… phục vụ khách du lịch. Người trẻ cũng bắt đầu quan tâm, học hỏi, truyền nghề”. Hiện tổ sản xuất của chị Mai có hàng chục thành viên, thu nhập ổn định. Sản phẩm được tiêu thụ tại Hà Nội, Bắc Ninh và một số địa phương.
Đặc biệt, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mô hình homestay kết hợp trải nghiệm làm giấy dó tạo sức hút đặc biệt tại xóm Sưng. Du khách có thể tham gia một vài công đoạn làm giấy, vẽ tranh, viết thư pháp lên giấy dó - những trải nghiệm mang đậm tính văn hóa và sáng tạo.
Đến xóm Sưng trong một chuyến du lịch cuối tuần, chị Nguyễn Hồng Nhung, du khách Hà Nội chia sẻ: "Tôi thực sự bất ngờ khi chứng kiến quy trình làm giấy dó hoàn toàn thủ công, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Mỗi tờ giấy là một quá trình lao động kỳ công, từ việc ngâm vỏ cây, giã xơ cho đến đổ khuôn, phơi nắng. Đúng là một sản phẩm ý nghĩa, được kết tinh từ thiên nhiên và bàn tay con người”.
Trong thời đại công nghiệp hóa những giá trị truyền thống dễ bị lãng quên, việc bảo tồn và phát triển nghề giấy dó không chỉ là giữ một kỹ nghệ cổ truyền, mà còn là cách người dân xóm Sưng khẳng định bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập, tạo đà phát triển kinh tế, du lịch bền vững trên chính nền tảng văn hóa truyền thống.
Hồng Duyên
Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/16/201425/Nguoi-Dao-xom-Sung,-xa-Cao-Son-bao-ton,--nghe-lam-giay-do.htm
Bình luận (0)