Các chuyên gia du lịch cho rằng hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, là điểm đến mang tính biểu tượng nên bắt buộc phải bảo tồn, gia cố sớm.
Cuối tháng 7, các kết quả nghiên cứu ban đầu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho thấy hòn Trống Mái nguy cơ bị đổ sập nếu không sớm được bảo vệ. Khu vực hòn Trống Mái có 40 khối có nguy cơ trượt, đổ lở, trong đó 11 khối ở hòn Trống và 29 khối ở hòn Mái.
Nhiều chuyên gia nhận định hòn Trống Mái là biểu tượng du lịch lớn bậc nhất của vịnh Hạ Long, vì vậy phải giữ bằng được thắng cảnh nổi tiếng này.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc công ty Vietcricle, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực phát triển điểm đến, nhấn mạnh tỉnh Kiên Giang cũng từng sở hữu một danh thắng tương tự là hòn Phụ Tử. Hơn 10 năm trước, khi ông dẫn đoàn khách nước ngoài tới đây, tất cả đều ấn tượng vì vẻ đẹp và hình dáng đặc biệt của hòn này. Tuy nhiên, năm 2006, phần hòn Phụ (cha) đã đổ sụp nên chỉ còn hòn Tử (con).
Theo ông Huê, từng có nhiều đề xuất về việc phục dựng lại hòn Phụ Tử nhưng đều không khả thi vì khối đá đổ xuống biển rất nặng, kể cả kéo lên được cũng khó trả lại nguyên trạng. Việc để hòn Phụ Tử bị hủy hoại dù do yếu tố tự nhiên cũng là “mất mát lớn” với ngành du lịch địa phương. Vì thế, việc bảo tồn, giữ gìn hòn Trống Mái là “điều bắt buộc phải làm”.
“Sau này, chúng ta bỏ ra cả nghìn tỷ đồng cũng không thể bắt chước vẻ đẹp tự nhiên vốn có”, ông Huê nói và nhấn mạnh ở vịnh Hạ Long có khoảng 2.000 đảo nhưng hòn Trống Mái là biểu tượng không thể thay thế.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho rằng vịnh Hạ Long là “biểu tượng của du lịch Việt Nam” và mọi di sản thiên nhiên hay văn hóa đều cần được giữ gìn, bảo tồn, dù không thể trường tồn cũng phải “giữ lâu nhất có thể”.
“Không thể để hòn Trống Mái tự sinh tự diệt”, ông Đạt nói.
Trên phương diện người kinh doanh tour du lịch, ông cho biết tuyến tham quan số 1 (Cảng tàu – Công viên Vạn Cảnh: Thiên Cung, Đầu Gỗ, hòn Chó
Đá, hang Ba Hang, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái) luôn được du khách yêu thích nhất khi đến vịnh Hạ Long. Thống kê của ban quản lý vịnh Hạ Long cũng chỉ ra có hơn 50% khách tới vịnh Hạ Long tham quan tuyến 1. Vì vậy, theo ông Đạt, để mất hòn Trống Mái sẽ “gây ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch địa phương”.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), một trong những giá trị nổi bật nhất của vịnh Hạ Long là “các cột đá vôi cao chót vót, các đảo đá vôi nhô lên từ biển với nhiều kích cỡ, hình dạng khác nhau, tạo thành một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mang vẻ đẹp hoang sơ như tranh vẽ”.
Khi nói về các Di sản Thiên nhiên Thế giới của UNESCO, IUCN nhận xét “đây là những khu vực được bảo vệ quan trọng nhất trên thế giới”. Tuy nhiên, các di sản này đều đang chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, các loài xâm lấn và tác động của ngành du lịch. Do đó, việc bảo vệ các di sản là trách nhiệm của tập thể, từ cấp lãnh đạo đến người dân bản địa.
Trả lời VnExpress, đại diện ban quản lý vịnh Hạ Long khẳng định luôn có chủ trương bảo tồn khu vực hòn Trống Mái. Đơn vị này đang làm báo cáo gửi đến UBND tỉnh để chỉ đạo lập dự án bảo vệ, gia cố hòn Trống Mái. Một lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết hòn Trống Mái thuộc Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long nên “tất cả đều có trách nhiệm bảo vệ”.
Tú Nguyễn