Nhật thông qua luật cho phép lò phản ứng hạt nhân hoạt động quá 60 năm, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và mục tiêu khí hậu.
Phát ngôn viên quốc hội Nhật Bản hôm nay cho biết luật mới được thông qua nhằm “thiết lập hệ thống cung cấp điện để đạt mục tiêu xã hội không phát thải” bằng cách tăng giới hạn thời gian hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân.
Theo quy định trước đây, các lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản có thời gian vận hành là 40 năm và được gia hạn một lần, tối đa 20 năm, tùy thuộc vào các yêu cầu về an toàn.
Theo luật mới, giới hạn tuổi thọ kỹ thuật của các lò phản ứng hạt nhân vẫn là 60 năm, nhưng sẽ cấp ngoại lệ với các lò phản ứng trước đó phải dừng hoạt động vì lý do “không thể lường trước” như thay đổi quy định an toàn hay lệnh tạm thời dừng hoạt động do tòa án ban hành.
Quy định mới cũng cho phép các đơn vị vận hành trừ thời gian lò phản ứng ngừng hoạt động khi tính toán tuổi thọ.
Với trường hợp ngoại lệ, để tăng thời gian vận hành, các nhà máy điện hạt nhân cần được cơ quan giám sát an toàn hạt nhân Nhật Bản cho phép. Luật mới cũng đề ra các biện pháp tăng cường kiểm tra an toàn tại những lò phản ứng vận hành lâu năm.
Chính phủ muốn “đảm bảo nguồn cung điện ổn định, đồng thời thúc đẩy sử dụng nguồn điện phi carbon”, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tuyên bố.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản tìm cách khôi phục các nhà máy điện hạt nhân vốn bị tạm dừng hoạt động sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Đa số lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản đang ngừng hoạt động, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến vấn đề này nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của dư luận. Các cuộc thăm dò cho thấy quan điểm của người Nhật về năng lượng hạt nhân đang dịu bớt, khi nước này đối mặt với nguy cơ thiếu điện.
Hồng Hạnh (Theo AFP)