Những nhóm ngành hàng xuất khẩu tiềm năng
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi trải qua giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng ở năm 2023, trong 3 tháng đầu năm 2024, thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường châu Âu – châu Mỹ đã có sự phục hồi tích cực.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực châu Âu – châu Mỹ trong quý I/2024 đạt 55,6 tỷ USD, tăng 20,4%. Con số này đóng góp 47,1% vào tăng trưởng thương mại xuất nhập khẩu chung của Việt Nam so với thế giới (đạt 117,96 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm).
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 44,9 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 10,7 tỷ USD, tăng 15,7%. Việt Nam thặng dư thương mại với khu vực châu Âu – châu Mỹ đạt 34,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ.
Riêng ở khu vực châu Âu, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với khu vực này đạt 19,5 tỷ USD, tăng 18,5%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, tăng 19,2%. Nhập khẩu của Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD, tăng 16,3%. Việt Nam thặng dư thương mại với khu vực châu Âu đạt 9,9 tỷ USD, tăng 20,7%.
Còn ở khu vực châu Mỹ, tổng kim ngạch thương mại trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 36,1 tỷ USD, tăng 21,5% so với 3 tháng đầu năm 2023, cao gấp gần 2 lần khu vực châu Âu. Trong đó, xuất khẩu đạt 30,2 tỷ USD, tăng 22,8%. Nhập khẩu đạt 5,9 tỷ USD, tăng 15,2%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ đạt 24,38 tỷ USD, tăng 25,3%.
Gỗ và các sản phẩm gỗ là mặt hàng tiềm năng hàng đầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sang thị trường châu Âu – châu Mỹ. Ảnh minh họa |
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, những số liệu thống kê sơ bộ nêu trên chưa bao gồm các thị trường nhỏ tại khu vực châu Âu và châu Mỹ. Chính vì vậy, thương mại của Việt Nam với khu vực này đã và đang dần hồi phục trở lại. “Các doanh nghiệp đang khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu, logistics sau một thời gian thích nghi với sự gián đoạn chuỗi cung ứng chung của thị trường thế giới” – Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh thông tin và cho biết, trong quý I/2024, xuất khẩu một số nhóm, ngành hàng của Việt Nam sang thị trường này có mức tăng trưởng tốt như: Gỗ và các sản phẩm từ gỗ; rau quả; nhóm hàng nông sản…
Phân tích cụ thể về các nhóm ngành hàng có dư địa phát triển tại thị trường Âu Mỹ, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho rằng, gỗ và các sản phẩm gỗ là mặt hàng tiềm năng hàng đầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Năm 2023, cùng với đà sụt giảm chung của các ngành hàng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Âu Mỹ chứng kiến kim ngạch sụt giảm -16,5%, nhưng vẫn đạt giá trị xuất khẩu gần 8,2 tỷ USD. Ngay trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng đột biến trở lại, đạt 2,16 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ 2023.
Một số thị trường xuất khẩu gỗ hàng đầu của Việt Nam trong năm 2023 là: Hoa Kỳ (7,3 tỷ USD), Canada (205,5 triệu USD), Vương quốc Anh (195 triệu USD), Pháp (405,5 triệu USD), Đức (72 triệu USD), Hà Lan (67,5 triệu USD), Bỉ (45,8 triệu USD), Mexico (37,5 triệu USD), Tây Ban Nha (36,3 triệu USD), Đan Mạch (29,4 triệu USD), Italy (20,2 triệu USD), Thụy Điển (19,8 triệu USD),…
Bên cạnh nhóm ngành hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ thì hàng nông sản (như: Rau quả, cà phê, gạo, hạt điều…) cũng có nhiều tiềm năng để gia tăng kim ngạch tại thị trường này. Theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, ngành nông nghiệp đã có những đóng góp ấn tượng cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2023, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: Gạo, rau quả, hạt điều…
Năm 2023, xuất khẩu nhóm nông sản chính của Việt Nam (7 mặt hàng bao gồm: Chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, hàng rau quả, cao su, và cà phê) sang thị trường Âu Mỹ đạt xấp xỉ 5,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,65% so với năm 2022.
Đáng chú ý, sản phẩm rau quả xuất khẩu sang thị trường châu Âu châu Mỹ của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong vài năm vừa qua. Năm 2023, giá trị xuất khẩu sang khu vực thị trường này đạt 615,4 triệu USD, tăng 11,2%. Trong 3 tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu ngành này cũng tăng 25,7%, đạt 159 triệu USD.
Ngoài ra, sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được đón nhận tích cực từ thị trường này. Năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo sang Âu Mỹ đạt 64 triệu USD, tăng tới 50%. 2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu tăng 15,8%, đạt 16,0 triệu USD. Mặt khác, cà phê, hạt điều Việt Nam cũng liên tục duy trì vị thế là nhà xuất khẩu lớn vào thị trường Âu Mỹ.
Chủ động tìm hiểu, tận dụng các FTA để xuất khẩu bền vững
Đưa ra những dự báo về hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường Âu Mỹ, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho rằng, thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có nhiều cơ hội khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với các đối tác thị trường châu Âu – châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.
Chưa kể, việc các nước có nền công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ giúp Việt Nam.
Để khai thác tốt thị trường Âu – Mỹ, doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu và tận dụng tối đa các ưu đãi đến từ các FTA đã ký kết. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, cơ hội có nhiều, song hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro, thách thức và khó đoán định. Do vậy, lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần chủ động hoàn thiện sản phẩm, bao bì, nhãn mác, chất lượng và quy trình sản xuất đầy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; chủ động tham gia các chương trình do Bộ Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại tổ chức để tìm đối tác xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, chú trọng khâu tăng cường nhận diện thương hiệu trực tuyến qua website, các mạng xã hội với đầy đủ thông tin, chứng minh năng lực để mở rộng quảng bá thương hiệu của mình đến với đối tác nước ngoài và xây dựng niềm tin. Cùng đó, chủ động bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế và tìm người có kinh nghiệm để hỗ trợ, tham gia vào các khóa tập huấn do Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức.
Để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng và phát triển bền vững tại thị trường Âu Mỹ, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động tìm hiểu về các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và chủ động phương án tận dụng ưu đãi từ các hiệp định với dòng sản phẩm, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp mình.
“Đối với khu vực thị trường châu Âu – châu Mỹ sẽ có một số tiêu chuẩn nhãn mác để được lưu hành tại thị trường này, như nhãn hiệu CE cho các sản phẩm ở thị trường EU, nhãn hiệu UKCA cho các sản phẩm ở thị trường Anh, giấy phép FDA cho các sản phẩm thực phẩm, thuốc tại thị trường Mỹ. Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu đăng ký các giấy phép, nhãn hiệu cho sản phẩm của mình phù hợp với từng thị trường” – Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đặc biệt lưu ý và cam kết, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu; phối hợp và bám sát tình hình thị trường, kịp thời thông tin và làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn trong việc thâm nhập, phát triển thị trường và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, huy động, vận động doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm nguồn hàng hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.