
Trong tâm sự của cô gái trẻ vùng cao, hành trình về phố mang theo khát vọng thay đổi cuộc đời và ước mong một ngày được quay về quê hương, gieo con chữ giữa núi đồi bạt ngàn mây trắng.
Ngoài gia đình, thầy cô, em quyết định báo tin vui này cho anh Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau - người đã giúp em yên tâm học hành với dự án “Đi học trên núi”.
Thông tin Hậu gửi đi lúc 19 giờ 46 phút, ngày 21/7 ngoài kết quả trúng tuyển, còn có dòng tin ngắn nhưng bật lên niềm hân hoan lẫn lòng biết ơn: “Chú Nam ơi”.
Dòng chữ giản dị, gửi từ nóc nhỏ heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi mỗi bước chân đến trường là một lần vượt suối, lội đèo.
Hậu là con thứ hai trong một gia đình có ba chị em, cha mất sớm, mẹ quanh năm quần quật với ruộng nương. Hành trình học chữ của em là chuỗi ngày gian khó.
Suốt những năm học phổ thông, để đến được Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My, Hậu phải đi bộ hơn 2 giờ đường rừng. Bữa cơm thường ngày của em chỉ có rau rừng, cá suối, nhưng trong tim luôn ước mơ trở thành cô giáo.
Anh Nguyễn Bình Nam vẫn nhớ như in lần gặp Hậu năm 2022, khi em là một trong 2 học sinh Xê Đăng đầu tiên được dự án “Đi học trên núi” chọn hỗ trợ.
Anh bảo, với kết quả học sinh giỏi nhiều năm liền, anh biết Hậu là hạt giống quý cần được chăm sóc, vun trồng. Từ đó, CLB “Bạn thương nhau” đồng hành Hậu bằng khoản hỗ trợ hằng tháng, đồ dùng học tập và những tin nhắn động viên.
Tin cô bé Hậu đậu đại học như tia nắng giữa những ngày mưa nơi đại ngàn. Niềm vui ấy lan nhanh từ nóc Ngọc Nâm sang các nóc lân cận, len lỏi qua từng nhóm học sinh người Xê Đăng đang học nội trú, khiến thầy cô, bạn bè ai nấy đều tự hào.
Bởi lẽ, ở vùng đất mà chuyện học hết lớp 12 đã là điều hiếm hoi, thì việc có người đậu đại học trở thành niềm vui lớn của làng.
Riêng mẹ Hậu, khi nghe con gái báo tin đậu đại học, đã khóc lặng vì hạnh phúc. Cả đời lam lũ, có lẽ chị chưa từng mơ ngày con gái mình trở thành sinh viên.
Và bây giờ, đậu đại học không còn là giấc mơ của riêng Hậu, mà là quả ngọt của bao mùa nương rẫy, là hy vọng của cả gia đình.
Có lẽ, trong tương lai không xa, ngày Hậu rời nóc Ngọc Nâm xuống phố nhập học sẽ là ngày đặc biệt. Qua điện thoại, cô bé nói về ước mơ được ở ký túc xá, được tạo cơ hội việc làm để tự lo cho mình trong hành trình dài phía trước.
Em nói có thể mình sẽ rất nhớ nhà, nhớ những ngày theo mẹ lên rẫy, nhớ những con dốc trên đường đến trường, nhưng “sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mẹ, thầy cô và những người đã tin em”.
Nguồn: https://baodanang.vn/niem-vui-tren-noc-ngoc-nam-3298003.html
Bình luận (0)