U50 nghỉ việc để khởi nghiệp
Giữa lưng chừng đèo Mimosa của TP Đà Lạt (Lâm Đồng), khu vườn hữu cơ được chị Nguyễn Thị Thọ Vân (47 tuổi) trồng gừng, khuynh diệp, hương thảo, tía tô… Toàn bộ số cây trong vườn được sử dụng để chiết xuất tinh dầu.
3 năm trước, chị Vân là kế toán trưởng cho một doanh nghiệp tại TP Hải Phòng. Đây cũng là thời điểm dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ nhất tới đời sống của người dân.
Khi đó, nhu cầu sử dụng tinh dầu để vệ sinh nhà ở, phòng tránh dịch rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết người sử dụng mơ hồ về cách sử dụng, không biết cách phân biệt tinh dầu thật giả.
Từ thực tế này, chị Vân quyết định tìm hiểu làm tinh dầu, đặc biệt là việc làm tinh dầu các loại thảo mộc để chăm sóc sức khỏe.
Năm 2022, chị Vân xin nghỉ việc để bắt tay vào sản xuất tinh dầu. Quyết định khiến người thân của chị Vân bất ngờ bởi khi ấy chị có công việc, cuộc sống ổn định.
Tìm đến TP Đà Lạt, chị Vân xác định đây là một vùng nguyên liệu lớn, phù hợp với việc triển khai ý tưởng của mình.
Theo chị Vân, khí hậu Đà Lạt mát mẻ quanh năm rất thích hợp cho cây trồng phát triển. Cũng nhờ khí hậu, một số loại thực vật sẽ cho lượng tinh dầu nhiều hơn so với trồng ở vùng khác.
“Khác với quy trình sản xuất, chế biến nông sản thông thường, sản xuất tinh dầu không thực hiện tập trung một chỗ. Tinh dầu các loại thảo dược được chiết tách tại từng hộ gia đình, từng vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, tôi đã bắt tay liên kết với từng nông hộ để sản xuất loại tinh dầu riêng”, chị Vân chia sẻ về công việc của mình.
Tinh dầu chinh phục nghị sĩ trẻ toàn cầu
Trở về từ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 vừa diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 9, chị Thọ Vân hãnh diện khi các sản phẩm tinh dầu của mình được bạn bè quốc tế đón nhận.
“Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu là cơ hội để tôi giới thiệu sản phẩm. Cũng sau hội nghị, tôi có thêm động lực để tiếp tục với đam mê làm tinh dầu thảo mộc”, chị Vân nói.
Trong căn phòng trưng bày tinh dầu được chiết xuất từ các loại thảo mộc, chị Vân cho biết, để làm ra được mililít sản phẩm đều rất kỳ công, tốn kém.
Hiện nay, người phụ nữ 47 tuổi đã nghiên cứu và sản xuất 12 loại tinh dầu các loại như tinh dầu sả, hương thảo, hương nhu, gừng, quế, vỏ quýt…
Đặc biệt, các loại tinh dầu chị sản xuất đã được tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (sản phẩm thế mạnh địa phương) 3 sao.
“Ngoài tinh dầu từ thảo mộc, tôi thực hiện chiết xuất tinh dầu bơ. Vừa qua, tôi đã mua 80 tấn bơ của người dân để phục vụ sản xuất tinh dầu. Giá bơ tôi thu mua luôn cao hơn giá thị trường. Hoạt động sản xuất tinh dầu từ bơ, theo đó, bước đầu đã giải quyết được khối lượng lớn nông sản, mang lại thu nhập cao cho nông dân”, chị Vân nói.
Sau hơn một năm khởi nghiệp, với nhiều cơ hội để được giới thiệu sản phẩm tới bạn bè trong nước, quốc tế, chị Vân chia sẻ, các sản phẩm tinh dầu đã có mặt tại nhiều tỉnh thành, với giá bán khoảng 150.000 đồng/10ml.
Đặc biệt, ngoài việc liên kết thu mua nguyên liệu của nông dân, cơ sở sản xuất còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, với thu nhập 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về dự định của mình, chị Vân cho biết sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm tinh dầu để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, chị Vân cũng sẽ xây dựng cơ sở sản xuất theo hướng du lịch trải nghiệm các loại tinh dầu ngay tại vườn.