“Giấu” nước sâm vì sợ… hết
Tại góc ngã tư đường Hà Tôn Quyền – Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TPHCM), người dân quanh đây đã quen với cảnh xe nước sâm tấp nập khách xếp hàng chờ mua.
Chị Bội Ân (28 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cho biết: “Gia đình tôi ngày nào cũng chuẩn bị tầm 1.000 chai nước sâm nhưng bán chưa đầy 3 tiếng là hết rồi. Bố tôi thỉnh thoảng phải giấu can nước sâm đi vì sợ bán hết, mối quen đến mua không có họ lại giận”.
Nói xong, chị và ba mẹ lại tiếp tục đong đầy nước sâm vào chai để kịp bán. Cứ hết nhóm khách này đến nhóm khách khác xếp hàng chờ mua nên 3 người bán không kịp ngơi tay. Khách hàng đa số là người gốc Hoa, có người “thâm niên” uống nước sâm tại đây đã 20 năm.
“Cho ly nước sâm uống liền cho đỡ khát đi!”, một người đàn ông trung niên vội tấp xe, nói lớn. Uống xong ly chưa đầy 2 phút, vị khách hàng nhanh chóng rời đi để kèm theo câu nói vui “quá đã”.
“Tôi uống ở đây cũng hơn 20 năm, cứ đi làm ngang qua là ghé uống. Nước sâm ở đây uống rất mát, nấu bằng công thức gia truyền nên rất đậm vị. Người lao động như tôi uống được ly nước mát với giá rẻ là thấy vui rồi”, người này cười, nói.
Liên tục, có người mua một lúc 8 chai nước sâm, cũng có người mang sẵn chai sâm 1,5 lít đến để đong cho đầy.
20h ngày 10/5, anh Quách Thanh Lũy (37 tuổi) chở theo vợ con ghé ngay hàng nước sâm. Anh Lũy cho biết: “Cách vài ngày là tôi ghé mua 8 chai về uống. Trước đây được bạn bè giới thiệu, tôi đến uống thử thấy ngon quá. Vị sâm ở đây rất thanh ngọt, tròn vị sâm chứ không bị bỏ nhiều đường như chỗ khác”.
Được biết, xe nước sâm có 6 loại chính gồm rong biển, bông cúc, mía lau 24 vị, nước đắng, hạ khô thảo, được bán với giá dao động 6.000-25.000 đồng, tùy vào kích cỡ của chai. Nguồn khách hàng không chỉ đến từ người mua lẻ, xe nước sâm của gia đình chị Ân còn cung cấp cho nhiều mối quen là nhà hàng, quán nhậu quanh đó.
Xe nước sâm 3 đời
Mỗi buổi sáng, gia đình chị Ân đều dậy rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu. Nước sâm được nấu bởi công thức gia truyền. Cô Trần Huệ Trân (54 tuổi, mẹ chị Ân) bật mí những nguyên liệu như củ năng, mía lau, ngò tía (cây mùi), lá dứa,… sẽ được bỏ lên lò nấu trong vài tiếng.
Sau đó, nước sâm sẽ được lấy xuống, lọc qua vợt rồi đong vào can đem từ nhà ra bán. “Những nguyên liệu này được nấu chung uống vào rất tốt cho sức khỏe”, bà chủ xe nước sâm nói.
Theo cô Trân, xe nước sâm này đã được truyền 3 đời. Năm 1996, bà ngoại của cô nảy ra ý tưởng bán nước sâm trên đường Tạ Uyên (quận 5). Đến khi bà qua đời, xe nước sâm được truyền từ mẹ cô Trân rồi đến lượt cô cho đến ngày nay. Sau nhiều lần dời chỗ, tiệm cũng cố định trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Cô Trân cho hay, xe nước sâm này đã gắn liền và nuôi sống cả gia đình. Nhớ lại những ngày đầu mới kế thừa nghề truyền thống, cô Trân vẫn không quên doanh thu lúc đó chỉ được 8.000 đồng/ngày.
Ngày qua ngày, do nhớ lời mẹ dặn phải buôn bán bằng cái tâm, cô Trân càng tâm đắc hơn với từng chai nước sâm mình nấu. Khách đến uống, vợ chồng cô luôn hỏi han cảm nhận của khách hoặc thỉnh thoảng trò chuyện. Từ đó, người ta càng mến cái tính hào sảng của vợ chồng cô Trân nên thường xuyên lui tới.
Chị Bội Ân nhớ lại, ngay từ nhỏ đã cùng bố mẹ đứng bán nước sâm trên đường. Thời đó, gia đình chị còn khó khăn, phải ở nhờ nhà bà ngoại. Những hôm trời mưa, xe nước sâm chẳng bán được chai nào. Nước mưa ngập hết đường, gia đình chị phải luống cuống dọn dẹp.
“Lúc đó, ba người ngồi nhìn nhau rầu rĩ, cắn từng hạt đậu phộng cho đỡ đói. Đôi lúc cũng bất lực nhưng nhờ vậy mà thấy thương bố mẹ hơn”, chị Ân bộc bạch.
Từ cảnh ở nhà thuê, gia đình chị bám trụ vào xe nước sâm hơn 20 năm, cuối cùng cũng mua được căn nhà trú nắng, trú mưa. Giờ đây, dù chị Ân đã có công việc ổn định nhưng tối nào cũng ra phụ bố mẹ bán sâm. Chị chia sẻ, nỗ lực của bố mẹ là động lực khiến bản thân cố gắng từng ngày.
“Khởi nghiệp lúc nào cũng khó khăn hết, quan trọng là phải yêu cái nghề, làm hết sức bằng cái tâm thì sẽ có ngày thành công”, cô Huệ Trân chia sẻ.