Tại hội nghị các nhà phát triển AI, CEO Sam Altman chia sẻ với hơn 900 chuyên gia về tham vọng xây dựng hệ sinh thái mà OpenAI hướng tới, nhằm tận dụng sự phổ biến của ChatGPT. “Cha đẻ” của chatbot AI nổi tiếng cũng cho hay, ứng dụng này hiện có 100 triệu người dùng hằng tuần.
Theo đó, người dùng sẽ được truy cập các “ứng dụng” AI cá nhân hoá cho những tác vụ chuyên biệt, chẳng hạn như gia sư dạy toán hay thiết kế giấy dãn (sticker).
OpenAI gọi các ứng dụng AI tuỳ chỉnh này là “GPT”. Công ty cho biết đây là phiên bản đầu tiên của trợ lý AI thực hiện các tác vụ trong thế giới thực, chẳng hạn như thay người dùng đặt vé máy bay.
Đồng thời, công ty sẽ ra mắt GPT Store, cửa hàng ứng dụng để mọi người có thể chia sẻ GPT và kiếm tiền dựa trên số lượng người sử dụng. Đây là nỗ lực mới nhất của OpenAI sau những thất bại với việc xây dựng hệ sinh thái plugin ChatGPT vào đầu năm 2023.
Ngoài GPT, OpenAI cũng phát hành một loạt bản cập nhật, tập trung cho các nhà phát triển, bao gồm cả việc giảm đáng kể phí dịch vụ – bước đi nhận được sự chào đón nồng nhiệt.
Theo đó, OpenAI đã công bố một mẫu GPT-4 Turbo mới, rẻ hơn so với GPT-4 tiền nhiệm, nhưng có khả năng xử lý nhiều dữ liệu hơn. Công ty cũng tiết lộ giao diện lập trình ứng dụng trợ lý (API) với phương thức thị giác và hình ảnh. Ngoài ra, còn có một phiên bản beta dành cho nhà lập trình tuỳ chỉnh GPT-4.
“Đó là cú hích lớn đối với các công ty khởi nghiệp như chúng tôi. Đột nhiên, chi phí giảm xuống ba lần”, Flo Crivello, người sáng lập công ty khởi nghiệp trợ lý AI Lindy và một trong những người tham dự hội nghị, cho biết.
Phát biểu với giới truyền thông, Altman nói rằng các công ty khởi nghiệp sử dụng công nghệ OpenAI không nên xây dựng các ứng dụng tích hợp đơn giản. “Chúng tôi có kế hoạch xây dựng những tính năng rõ ràng và việc xây dựng những tích hợp sâu hơn tạo ra giá trị to lớn”.
Tầm nhìn của CEO OpenAI là mỗi người sẽ có nhiều GPT có thể tương thích cùng nhau để giúp họ hoàn thành công việc trong tương lai.
OpenAI muốn nhiều hơn doanh nghiệp và nhà phát triển xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn cạnh tranh với Anthropic của Google, cũng như các mô hình nguồn mở như Llama của Meta. Dù nhận đầu tư 10 tỷ USD, công ty sở hữu ChatGPT cũng đang cạnh tranh khách hàng doanh nghiệp với Microsoft.
Trong khi đó, với phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, OpenAI đã triển khai chương trình mô hình tuỳ chỉnh, cho phép tạo ra các ứng dụng GPT-4 chuyên biệt với mức giá “đắt đỏ” hơn.
(Theo Reuters)
Đối thủ trực tiếp của OpenAI nhận đầu tư ‘khủng’ từ Google
Google vừa cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào Anthropic, công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) được thành lập bởi các cựu giám đốc điều hành OpenAI.
OpenAI nâng cấp toàn diện ChatGPT
OpenAI cho biết bản nâng cấp sắp tới sẽ cho ChatGPT khả năng ‘nhìn, nghe và nói’ khi tương tác với người dùng.
OpenAI ra mắt Dall-E 3, tích hợp với ChatGPT
OpenAI vừa ra mắt phiên bản thứ ba của nền tảng AI tạo sinh Dall-E, cho phép người dùng sử dụng ChatGPT để sáng tác hình ảnh từ lời nhắc (prompt).