
Vùng hạ du Thu Bồn là một trong những không gian hiếm hoi vừa giàu tài nguyên văn hóa, vừa có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm. Hệ thống bến ghe cổ, làng nghề dệt lụa Mã Châu, Đông Yên, các chợ ven sông cùng di tích Chămpa… chính là những tài sản mà nhà đầu tư có thể khai thác.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa xứ Quảng, sông Thu Bồn từ nhiều thế kỷ trước đã là mạch giao thương chính, nối miền núi với vùng duyên hải, tạo nên hệ sinh thái buôn bán nhộn nhịp. “Những địa danh như đầm Trà Nhiêu, thương cảng Hội An, bến Bàn Thạch, Hồng Triều từng là điểm neo đậu của ghe bầu và tàu ngoại quốc. Nếu tái hiện khung cảnh buôn bán, ghe thuyền như xưa, đây sẽ là sản phẩm du lịch hiếm có của miền Trung”, bà Hiền nói.
Bên cạnh thương mại, các làng nghề dệt lụa Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai, hay sản phẩm đặc trưng như quế, trầm hương, hạt cau… là tài sản quý giá cho du lịch trải nghiệm.
Ông Phan Lê Chung, chuyên gia phát triển thương hiệu điểm đến, nhận định: “Nếu đầu tư bài bản, Thu Bồn hoàn toàn có thể trở thành tuyến du lịch liên kết Hội An - Mỹ Sơn. Đây là cơ hội lớn để xây dựng các dịch vụ cao cấp như tour đường sông, khu nghỉ dưỡng sinh thái và trung tâm trải nghiệm văn hóa”.
Điểm khác biệt của du lịch ven Thu Bồn là sự kết hợp di sản sông nước với sinh hoạt cộng đồng. Nếu cư dân tham gia trực tiếp, từ chèo thuyền, làm sản phẩm, biểu diễn nghệ thuật… họ sẽ có thêm thu nhập, còn du khách sẽ cảm nhận được sự chân thực.
Bà Hoàng Thị Anh Đào (Đại học Khoa học - Đại học Huế) cho rằng: “Những di tích đình làng, nhà thờ khai canh, các bến ghe bầu xưa là trụ cột để định hình tour du lịch văn hóa. Việc bảo tồn và gắn kết với các tuyến du lịch đường sông sẽ tạo sức hút đặc biệt, song hành cùng phố cổ Hội An”.
Các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp gợi ý một số sản phẩm du lịch khả thi để ngành du lịch Đà Nẵng tham khảo.
Tour sông nước - chợ nổi và làng nghề, tái hiện cảnh ghe bầu, buôn bán xưa, kết hợp ghé làng dệt, làng gốm, trải nghiệm làm sản phẩm.
Tour ẩm thực và văn hóa trình diễn, xây dựng các bến dừng, nơi du khách thưởng thức món đặc sản xứ Quảng và nghệ thuật dân gian như hò khoan, bài chòi.
Khu nghỉ dưỡng sinh thái ven sông, phát triển mô hình resort nhỏ, kết hợp chèo kayak, ngắm hoàng hôn trên Thu Bồn.
Tour du lịch lịch sử - di tích, khai thác hệ thống đình làng, miếu, dấu tích Chămpa và các bến ghe xưa để tạo tour trải nghiệm di sản.
Hiện nhiều xã, phường ven sông Thu Bồn như như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An… đang phối hợp với doanh nghiệp và nhà nghiên cứu để thiết kế tour, tập huấn cho cư dân về dịch vụ và quảng bá trực tuyến. Đây là bước đi nhằm đưa dòng Thu Bồn trở thành “con đường di sản sống” của du lịch Đà Nẵng.
Nguồn: https://baodanang.vn/phat-trien-du-lich-song-thu-bon-3297824.html
Bình luận (0)