Hơn 2 tuần qua, nhiều hộ dân ở 2 xã An Hiệp, An Đức của H.Ba Tri (Bến Tre) đã tụ tập căng băng rôn, chặn các xe chở rác từ hướng TP.Bến Tre về bãi rác An Hiệp, phản đối việc tập kết rác tại đây vì gây ô nhiễm môi trường sống của họ.
“Không chịu đựng được nữa”
Anh Trần Văn Phú, nhà cách bãi rác An Hiệp khoảng 1 km, cho biết: “Mùi hôi tanh cực kỳ khó chịu bủa vây nơi ở của gia đình tôi từ nhiều tháng qua. Trong nhà luôn có nhiều ruồi xanh to hơn đầu đũa bay khắp nơi. Tình trạng này khiến tôi không chịu đựng được nữa rồi!”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại nhiều nhà dân trong bán kính 1 km xung quanh bãi rác An Hiệp đều đặt vỉ bẫy ruồi. Chỉ cần mở vỉ trong thời gian ngắn là ruồi xanh dính rất nhiều, nhưng ruồi vẫn không bớt.
Báo cáo của Sở TN-MT Bến Tre cho biết gần đây mưa lớn kéo dài liên tục dẫn đến nước rỉ rác lẫn nước mưa chảy tràn ra xung quanh; mùi hôi phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân trong bán kính 1 km xung quanh, thuộc 2 xã An Hiệp, An Đức. Việc người dân chặn xe chở rác, ngăn cản đổ rác tại bãi rác An Hiệp khiến khoảng nửa tháng qua các xe rác từ TP.Bến Tre, H.Châu Thành không có chỗ đổ. Lượng rác ùn ứ gần 200 tấn/ngày, tác động xấu đến người dân và trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN-MT Bến Tre, từ năm 2021 đến nay bãi rác của tỉnh ở xã Hữu Định và Phú Hưng quá tải nên mỗi ngày phải chở gần 200 tấn rác thải của TP.Bến Tre và H.Châu Thành xuống bãi rác An Hiệp đổ tạm. Cùng với đó, khoảng 40 tấn rác thải của H.Ba Tri cũng tập kết về bãi rác An Hiệp, dẫn đến bãi rác này quá tải, phát sinh các vấn đề về môi trường nghiêm trọng. Người dân sống xung quanh bãi rác An Hiệp phản ứng là chính đáng.
Các nhà máy xử lý rác quá tải
Ông Nguyễn Tấn Thuấn, Phó giám đốc Sở TN-MT Long An, cho biết xử lý rác thải từ nhiều năm qua là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền địa phương.
Theo ông Thuấn, mỗi ngày tỉnh Long An thu gom hơn 800 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng hiện chỉ có một nhà máy ở H.Thạnh Hóa xử lý được khoảng 300 tấn/ngày. Hằng ngày, lượng rác thải tập kết về nhà máy này đã đạt ngưỡng công suất xử lý. Do đó, lượng rác thải tồn đọng từ nhiều năm qua khoảng hơn 30.000 tấn tại bãi rác này nhưng vẫn chưa được xử lý, khiến người dân bức xúc.
Một khó khăn khác hiện nay trong khâu thu gom rác thải tại Long An là giá thu gom được UBND tỉnh ban hành năm 2021 chỉ bằng khoảng 1/2 giá thực tế. Việc này dẫn đến các đơn vị làm dịch vụ thu gom phản ứng, tại nhiều địa phương không chịu ký kết hợp đồng tiếp tục thu gom. Vì vậy, khoảng 1 năm qua, Sở TN-MT phối hợp các địa phương triển khai nhiều giải pháp tình thế như vận động, thuyết phục và cho ký hợp đồng theo đơn giá trong văn bản của UBND tỉnh ban hành trước đó nhưng đã hết hiệu lực để rác thải vẫn được thu gom, xử lý.
Tại Vĩnh Long, lượng rác thải toàn tỉnh khoảng 350 tấn/ngày, nhưng bãi rác Hòa Phú (xã Hòa Phú, H.Long Hồ) chỉ xử lý bằng cách chôn lấp. Mùa mưa, nước thải rỉ ra xung quanh, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều người bức xúc, gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng.
Bà Trần Thị Lan (63 tuổi), nhà cạnh bãi rác Hòa Phú, cho biết phía bên đường trước nhà bà là hồ chứa nước rỉ rác. Mùa mưa, mùa nắng gì cũng bốc mùi hôi thối, dù nhà luôn đóng kín cửa nhưng vẫn không chịu được. Nhất là vào mùa nắng, ruồi nhặng bay khắp nhà, muốn bán nhà đi chỗ khác ở mà không ai mua. “Chính quyền làm sao chứ nói mãi vẫn vậy, mùi hôi thối ngày càng nặng hơn. Tôi nghe nói có 3 bãi rác chôn lấp rồi và sắp xây thêm 1 bãi nữa, toàn chôn lấp kiểu này thì trời mưa nước chảy ra hôi thối cả làng”, bà Lan bức xúc.
Phú Quốc loay hoay xử lý rác thải
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết tỉnh Kiên Giang đang lập hồ sơ đấu thầu mới để tìm nhà đầu tư (NĐT) Nhà máy xử lý rác Phú Quốc. Dự án nhà máy xử lý rác trước đây (do Công ty Minh Thuận Thành đầu tư – PV) đã được thu hồi, hiện đang lập hồ sơ đấu thầu tìm NĐT mới.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc, cho biết việc thu gom và xử lý rác ở thành phố vẫn được thực hiện như trước đây. Hiện mỗi ngày Phú Quốc thu gom khoảng 180 tấn rác. Đây là số liệu thống kê lượng rác thu gom được, ngoài ra còn lượng rác chưa thu gom được vẫn còn khá nhiều trong các khu dân cư, lượng rác phát sinh còn nhiều hơn (khoảng 20 tấn). Thế nhưng đến thời điểm này nhà máy xử lý rác ở ấp Bãi Bổn (xã Hàm Ninh) vẫn chưa hoạt động được, lượng rác phát sinh hằng ngày vẫn đổ tại bãi rác tạm ở Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương).
Để xử lý lượng rác tồn đọng, cuối tháng 5.2023, UBND TP.Phú Quốc đã khởi công gói thầu xử lý rác thải thuộc DA xử lý rác thải tại bãi rác tạm Đồng Cây Sao. Công ty CP công nghệ và vật liệu chuyên dụng LICOGI 13 đã trúng thầu. Hợp đồng xử lý rác có thời hạn 22 tháng, kinh phí 55 tỉ đồng, bằng ngân sách nhà nước.
Bãi rác tạm Đồng Cây Sao rộng hơn 5 ha, có từ năm 2019. Hiện mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 200 tấn rác thải, đang quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Hoàng Trung
Ông Ngô Thành Thía, Giám đốc Công ty CP công trình công cộng Vĩnh Long, cho biết bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 3 đưa vào hoạt động từ tháng 5.2020, với công suất 200.000 tấn. Lượng rác tiếp nhận khoảng 350 tấn/ngày, đến nay đã lên tới 260.000 tấn, vượt công suất thiết kế. Hiện tại, do là bãi rác hở, diện tích lớn (3,2 ha) nên mùa mưa lượng nước mưa xâm nhập rất nhiều, gây phát sinh nước rỉ rác, ảnh hưởng môi trường.
Bãi rác Hòa Phú là bãi rác lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, được quy hoạch trên thửa đất hơn 47 ha, hiện đã sử dụng 18 ha. Bãi rác này đi vào hoạt động từ năm 1997, chủ yếu bằng hình thức chôn lấp. Hiện có doanh nghiệp thực hiện 2 dây chuyền phân loại bọc ni lông với công suất 10 tấn/ngày, giúp loại bỏ một phần rác khó phân hủy và có thể tái chế.
Tại Trà Vinh, bãi rác thuộc xã Long Hiệp, H.Trà Cú có diện tích 1 ha, là nơi tập kết rác cho cả huyện, cũng bốc mùi hôi, nước rỉ rác gây ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Lãnh đạo Phòng TN-MT H.Trà Cú cho biết do chủ công ty đốt rác bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến việc xử lý rác ở địa phương bị ngưng trệ. Địa phương phải sử dụng bãi rác tại ấp Trà Sất A, xã Long Hiệp để tập kết rác. Thời gian cao điểm, bãi rác này là nơi tập kết rác gần như của cả huyện nên gây mùi hôi thối.
“Khi người dân phản ánh, Phòng TN-MT H.Trà Cú đã yêu cầu đơn vị thu gom xịt xử lý mùi hôi, đến nay đã cơ bản giảm tối đa. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty môi trường Trà Vinh (đơn vị xử lý rác của huyện) bị bắt nên nhà máy xử lý rác này cũng ngưng hoạt động. Việc đổ rác tại đây chỉ là tạm thời. Tới đây, chúng tôi sẽ trình cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục thu hồi dự án để cấp lại cho đơn vị mới tiếp tục xử lý rác thải của huyện”, lãnh đạo Phòng TN-MT H.Trà Cú cho biết thêm.
Trà Vinh hiện có 18 bãi rác, bãi trung chuyển trên địa bàn các huyện, cụm xã. Mỗi ngày, toàn tỉnh có khoảng 450 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng nhà máy xử lý rác chỉ đạt công suất chưa đến 50 tấn/ngày. Tất cả rác thải trên địa bàn chủ yếu vẫn là thu gom, vận chuyển về các bãi rác tập trung để chôn lấp.