Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng cho các bạn trẻ thiếu điều kiện” hướng đến 700 thanh niên Việt Nam nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Một triệu cuộc đối thoại” là hoạt động phi lợi nhuận được triển khai trong năm 2023.
Dự án trao tặng 700 tài khoản cho 700 thanh niên Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, không đủ điều kiện tài chính để học tập trực tuyến 27 khóa đào tạo chứng chỉ chuyên môn trong 3 lĩnh vực gồm Công nghệ thông tin, Dữ liệu và Thương mại trên nền tảng Coursera (một nền tảng học tập online được dùng bởi hơn 60 triệu người và được 200 trường đại học hàng đầu trên thế giới áp dụng).
Chương trình đào tạo được cung cấp bởi các tập đoàn lớn như Google, IBM, Meta… cung cấp cho người học kiến thức, kỹ năng quan trọng trong công việc. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng được cấp chứng chỉ sau mỗi khóa học để tăng triển vọng tiếp cận với nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Dự án nhằm thúc đẩy xây dựng nền tảng giáo dục cho thế hệ trẻ, nguồn nhân lực quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Qua đó, mong muốn rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ở những lĩnh vực ngành nghề đang phát triển và có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời tạo cơ hội cho các bạn trẻ tài năng đóng góp trí lực vào quá trình cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự tiến bộ của cộng đồng, xã hội.
Được biết, dự án triển khai trên toàn cầu với 20.000 cơ hội học tập trên toàn thế giới đến năm 2030.
Ông Lê Đình Hiếu, CEO của Học viện G.A.P, cũng là người sáng lập dự án dạy tiếng Anh và Tin học cho người khiếm thính chia sẻ, thực tế hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không sẵn sàng để làm việc. Việc tạo cho các bạn trẻ kiến thức nghề nghiệp vững chắc để có thể làm việc, đặc biệt là làm việc tại các tập đoàn toàn cầu là điều rất cần thiết. Điều này giúp người học tối ưu hóa cơ hội nghề nghiệp cũng như hướng đến nguồn nhân lực trong nước có thể khẳng định, cạnh tranh ở môi trường làm việc toàn cầu.
Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (SAVY) từng chỉ ra, có tới 24% thanh niên được điều tra đã bỏ học khi chưa đến 15 tuổi và 16% bỏ học trong độ tuổi từ 20-25.
Tỷ lệ bỏ học sau khi học xong từ lớp 1 đến lớp 5 chiếm 12%, từ lớp 6 đến lớp 8 là 21% và riêng hết lớp 9 tỷ lệ này là 27% trong số những người đã bỏ học. Theo SAVY, chỉ có 46,3% thanh niên Việt Nam được đi học trung học.
Đói nghèo là nhân tố được nhắc đến nhiều nhất trong việc gây ra tình trạng bỏ học ở trẻ em Việt Nam. Trong số các lý do chính khiến thanh thiếu niên bỏ học, “phải làm việc cho gia đình” chiếm 19%, “không có tiền đóng học phí” 18%, “không muốn đi học thêm nữa” 17%, “không thi đỗ” 15% và “sức học yếu” là 9%.