Đồng bào Khmer dâng lễ cúng lên chư Phật tại chùa Botum Kirirangsay (phường Bình Minh)
Nếp văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ
Cứ đến giữa tháng Tư Dương lịch, khi tiết trời bắt đầu chuyển nắng và những cánh đồng lúa vụ Đông Xuân vừa gặt xong, cộng đồng người Khmer ở Tây Ninh lại rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Với họ, đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm, cũng là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, tích phước đầu năm và gắn kết cộng đồng.
Lễ tắm Phật
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, người dân nô nức mang theo lễ vật đến chùa - nơi được xem như “ngôi nhà chung” của đồng bào. Họ cùng nhau thực hành các nghi lễ với ý nghĩa tâm linh sâu sắc: tắm Phật để gột rửa những điều không may mắn; đắp núi cát như hành động tích lũy công đức; dâng cơm lên sư thể hiện lòng thành kính với sư sãi, ông bà, tổ tiên và thần linh.
Người dân Khmer thực hiện nghi thức đắp núi cát
Ngoài phần lễ trang nghiêm còn có phần hội sôi nổi. Những hoạt động như té nước cầu may, biểu diễn múa trống Chhay-dăm, thi đấu các trò chơi dân gian,… diễn ra trong không khí vui tươi. Chol Chnam Thmay mang một sắc thái riêng của một lễ hội vừa ấm cúng, sum vầy, vừa chan chứa niềm vui mùa mới.
Đồng bào Khmer trình diễn cách làm mâm lễ cúng tổ tiên vào dịp Tết Chol Chnam Thmay
Mỗi dịp Tết Chol Chnam Thmay, già làng Cao Văn Ươn (ngụ phường Bình Minh, tỉnh Tây Ninh) lại được nhiều đồng bào tìm đến hỏi cách cúng tổ tiên cho đúng lệ. Ông không chỉ giúp mọi người chuẩn bị các lễ vật dâng cúng mà còn cẩn thận chỉ dạy lớp trẻ từng nghi thức, lời khấn, cách sắp xếp mâm cỗ,... Đối với ông, mỗi lần thực hành nghi lễ là một lần khẳng định: Di sản không nằm trong bảo tàng mà nằm trong chính nhịp sống hàng ngày của cộng đồng.
Điệu múa Lâm thôn luôn có mặt trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer
Ngoài bảo tồn được không gian nghi lễ truyền thống, cộng đồng Khmer Tây Ninh còn lưu giữ được nét sinh hoạt một cách nguyên bản giữa dòng chảy hiện đại. Chính ở đó, tiếng trống Chhay-dăm, điệu múa Lâm thôn là nhịp cầu nối giữa đời sống hôm nay với ký ức của bao thế hệ trước. Những món ăn truyền thống được nấu mỗi dịp Tết cũng là cách người Khmer gìn giữ văn hóa ngay từ trong căn bếp nhỏ của mỗi gia đình.
Bà Cao Thị Pho La hướng dẫn những cô gái trẻ cách gói bánh tét thốt nốt
Chị Keo Onl - người có uy tín của đồng bào Khmer xã Hòa Hội, cho biết, trong Lễ hội Chol Chnam Thmay không thể thiếu món bún sim-lo, bánh tét thốt nốt,... Những món ăn gìn giữ hương vị truyền thống là cách người Khmer lưu giữ nét đẹp của lễ, tết. Tất cả gắn liền với dòng chảy bao đời nay của người dân Khmer, giờ đã trở thành di sản văn hóa đầy tự hào của dân tộc.
“Văn hóa của dân tộc mình được công nhận là di sản của quốc gia, tôi thấy tự hào lắm. Tôi cũng hay nói với người dân trong xóm, ráng giữ văn hóa của mình, đó là trách nhiệm, bổn phận của người đi trước” - chị Keo Onl nói.
Cơ hội phát triển du lịch từ di sản
Sau nhiều năm gìn giữ và phát huy giá trị, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer Tây Ninh chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2185/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/6/2025. Đây là sự ghi nhận đối với những giá trị văn hóa đặc sắc được cộng đồng Khmer bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Vũ điệu Khmer được biểu diễn tại đỉnh núi Bà Đen phục vụ du khách
Chol Chnam Thmay còn được kỳ vọng trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần đa dạng hóa trải nghiệm của du khách khi đến với Tây Ninh. Không gian văn hóa của đồng bào Khmer với nhịp sống hàng ngày, những món ăn đặc trưng, những vũ điệu truyền thống cùng tiếng trống Chhay-dăm,… sẽ là “tài sản” quý giá để xây dựng chuỗi liên kết phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà.
Bà Trần Thị Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định: “Lễ hội Chol Chnam Thmay là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của cộng đồng từ lâu đời. Bên cạnh nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thì lễ hội còn có một vai trò quan trọng đó là bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Khmer. Việc Lễ hội Chol Chnam Thmay được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch”.
Từ định hướng này, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án bảo tồn lễ hội Chol Chnam Thmay như một mô hình văn hóa tiêu biểu trong cộng đồng người Khmer, kết hợp với quảng bá rộng rãi các giá trị truyền thống. Trong đó, nghệ thuật múa trống Chhay-dăm đã được giới thiệu trên tạp chí Heritage và hệ thống TVC trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Mô hình trải nghiệm văn hóa Khmer tại sóc Bàu Ếch (phường Long Hoa) được xây dựng, tạo không gian để du khách tìm hiểu, cảm nhận và tham gia trực tiếp vào các hoạt động lễ hội truyền thống.
Lễ hội Chol Chnam Thmay được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mở ra một hành trình mới - hành trình mà chính cộng đồng người Khmer trở thành chủ thể gìn giữ, kể lại và làm mới di sản của mình./.
Hòa Khang - Khải Tường
Nguồn: https://baolongan.vn/tet-chol-chnam-thmay-di-san-khmer-giua-long-tay-ninh-a198841.html
Bình luận (0)