Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, Thái Lan là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế của Thái Lan dường như chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho thực trạng này.
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2020, số người từ 65 tuổi trở lên ở Thái Lan đã tăng gấp đôi. Tính đến năm 2020, có khoảng 13% dân số Thái Lan trong độ tuổi từ 65 trở lên. Hiện Thái Lan có hơn 12 triệu dân trên 60 tuổi, chiếm khoảng 18% dân số.
Nghiên cứu của Kasikorn, một ngân hàng lớn ở Thái Lan, ước tính, đến năm 2029, Thái Lan sẽ trở thành một trong những quốc gia “siêu già hóa” với hơn 20% dân số trên 65 tuổi.
Trong khi đó, quy mô kinh tế của Thái Lan chưa thể bắt kịp các nước cũng phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản, Đức. “Chúng ta sẽ già trước khi giàu. Chúng ta chưa sẵn sàng”, Burin Adulwattana, nhà kinh tế trưởng của Kasikorn, bình luận.
Thu nhập thấp, tài sản tích trữ hạn chế, cơ chế hưu trí không đủ đồng nghĩa với việc nhiều người phải chịu cảnh nghèo đói, trong khi ít người nộp thuế hơn và hóa đơn chi tiêu y tế dự kiến tăng gấp 3 sẽ là một gánh nặng tài chính rất lớn.
“Đó thực sự là một quả bom hẹn giờ”, Kirida Bhaopichitr, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, nhận định.
Theo khảo sát của Kasikorn, 34% người cao tuổi Thái Lan sống dưới mức nghèo, chi phí sinh hoạt chưa đến 830 USD/năm. Để sống tốt ở Bangkok, một người hưu trí cần có khoản tiết kiệm ít nhất 100.000 USD. Tuy nhiên, nhiều người Thái Lan hiện nghỉ hưu với chưa đầy 1.300 USD.
Các báo cáo cũng cho thấy, tốc độ già hóa dân số nhanh đang tạo ra những tác động tiêu cực tới lực lượng lao động của Thái Lan. Sự thay đổi về nhân khẩu học có thể khiến lực lượng lao động Thái Lan giảm với tốc độ khoảng 5%/năm trong giai đoạn 2020-2060 với mức giảm tổng cộng lên tới 14,4 triệu người. Điều này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức cạnh tranh cũng như sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan.
Ngoài ra, số lượng người cao tuổi gia tăng sẽ gây sức ép lên quỹ lương hưu và trợ cấp cho người già của Chính phủ Thái Lan. Hiện nay, quốc gia này có nhiều loại quỹ lương dành cho người về hưu, thí dụ: Quỹ An ninh xã hội, Quỹ Lương hưu Chính phủ và Quỹ Tiết kiệm quốc gia. Những người không được hưởng trợ cấp từ những quỹ này được nhận tiền từ chương trình trợ cấp tuổi già của Chính phủ Thái Lan.
Theo số liệu của Văn phòng Chính sách tài khóa Thái Lan, năm 2021, Thái Lan đã phải chi 750 tỷ bạt (tương đương 4,43% GDP) để dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, số tiền phải chi cho việc này trong năm 2013 chỉ vào khoảng 430 tỷ bạt.
Những thay đổi về nhân khẩu học đặt ra những thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vừa gây ra những khó khăn to lớn đối với không chỉ nền kinh tế Thái Lan mà còn cuộc sống của từng người dân.
Trong những năm qua, ý thức được xu thế này, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực nghiên cứu điều chỉnh chính sách và triển khai nhiều biện pháp để thích nghi với tình hình.
Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tuyên bố sẽ xóa nghèo vào năm 2027 và “không bỏ lại ai phía sau”. Trong chiến dịch tranh cử, đảng của ông cam kết sẽ dành một gói phúc lợi 8,1 tỷ USD cho người cao tuổi, nhưng đến nay chính phủ chưa công bố bất cứ chính sách tăng lương hưu nào.
Trong khi đó, tháng trước, Bộ trưởng Phát triển Xã hội Thái Lan Warawut Silpa-archa bác bỏ kêu gọi nâng lương hưu lên 81 USD/tháng vì cho rằng chính phủ không thể trang trải.
Văn hóa ở Thái Lan là con cái sẽ chăm sóc cha mẹ khi về già. Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Burin nhấn mạnh điều này không bền vững nếu xét về lâu dài khi nền kinh tế phải đối phó với vấn đề lực lượng lao động ngày càng thu hẹp, tăng trưởng thấp, chi tiêu tiêu dùng thấp.
Được biết, Thái Lan đang có kế hoạch nâng tuổi hưu vượt ra ngoài ngưỡng 55-60 hiện tại.
Minh Hoa (t/h theo Dân trí, Nhân Dân)