
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho hay, trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước được chuyển hóa thành hành động cụ thể, từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đến sự thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp.
Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo thương hiệu, không đảm bảo an toàn vẫn len lỏi trong hệ thống phân phối truyền thống lẫn các nền tảng thương mại điện tử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, uy tín doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Chia sẻ tại toạ đàm, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với một thực trạng nhức nhối: Chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hoá Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn còn tồn tại gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước…

Để cuộc vận động tiếp tục phát huy tác dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã đề ra nhiều giải pháp, như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, doanh nghiệp và người dân về vai trò, ý nghĩa của cuộc vận động; xây dựng ý thức tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm trong mỗi người dân.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đạt chất lượng cao; nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng hành động thiết thực từ cả phía quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng…
Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia và người tiêu dùng đã cùng thảo luận những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường; xây dựng ý thức tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/triet-tieu-hang-gia-bao-ve-nguoi-tieu-dung-va-doanh-nghiep-710367.html
Bình luận (0)