MỖI ĐỊA PHƯƠNG THIẾU HÀNG TRĂM GIÁO VIÊN
Kết thúc đợt tuyển dụng giáo viên (GV) vừa qua, Q.Bình Tân tuyển được hơn 300 GV, nhân viên, đạt khoảng trên 60% chỉ tiêu và quận này cũng có kế hoạch tuyển dụng đợt 2 với 177 GV, nhân viên mầm non, tiểu học, THCS để phục vụ giảng dạy học kỳ 2 năm học 2023 – 2024. Trong đó, chỉ tiêu nhiều nhất là THCS với 89 GV, 3 nhân viên; kế đến là tiểu học với 58 GV, 1 nhân viên; mầm non là 17 GV và 8 nhân viên…
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, cho hay số GV còn thiếu chủ yếu vẫn tập trung ở những bộ môn khan hiếm nguồn tuyển như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc cùng những bộ môn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 như lịch sử – địa lý, khoa học tự nhiên…
Tương tự, các trường của Q.4 cần tuyển 99 GV trong đợt 2 gồm 49 GV mầm non, 32 tiểu học và 18 THCS. Trong đó, số GV cần tuyển thêm ở tiểu học, cho môn tiếng Anh và tin học là khoảng 10 GV/môn, mỹ thuật là 6, âm nhạc là 5 GV. Một lãnh đạo của Phòng GD-ĐT Q.4 chia sẻ năm nay, số lượng GV tuyển bổ sung đợt 2 tăng hơn năm trước. Qua đó cho thấy nhu cầu tuyển dụng GV dạy các môn năng khiếu sẽ tiếp tục nóng và khan hiếm.
Còn tại H.Củ Chi, năm học 2023 – 2024 cần tuyển 498 GV, nhân viên cho 3 bậc học mầm non, tiểu học, THCS, tuy nhiên sau một đợt tuyển dụng vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Theo kế hoạch, thời gian tới Phòng GD-ĐT sẽ phối hợp với Phòng Nội vụ huyện xây dựng kế hoạch tuyển đợt 2.
Một lãnh đạo của Phòng GD-ĐT H.Củ Chi cho biết khó khăn của huyện là những trường ở khu vực vùng sâu vùng xa do điều kiện đi lại xa xôi rất khó tuyển dụng, nên đã thiếu lại càng thiếu, nhất là các bộ môn như tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, tin học. Nhiều trường không có GV tiếng Anh cơ hữu. Có trường phải “săn” giáo sinh mới ra trường nhà ở địa phương để tuyển dụng, có trường phải “xin” trường bạn để được GV thỉnh giảng…
NGUYÊN NHÂN TUYỂN NHƯNG CỨ THIẾU
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6, cho biết hiện nay mỗi địa phương thực hiện tuyển dụng theo thời gian khác nhau, cho nên một ứng viên có thể nộp hồ sơ dự tuyển ở nhiều nơi dẫn đến trường hợp một ứng viên trúng tuyển nhiều nơi và có quyền chọn lựa chỗ dạy phù hợp nhất. Điều này gây ra khó khăn cho các đơn vị tuyển dụng khác, bởi nguồn tuyển chỉ có bằng đó, nhưng ứng viên trúng tuyển “ảo”. Theo một đại diện phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM, đây cũng là nguyên nhân việc tuyển dụng GV tại TP.HCM gặp khó khăn.
Một số bộ môn như ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật có nhu cầu tuyển dụng nhiều (tập trung chủ yếu ở bậc tiểu học và THCS) nhưng số lượng người đăng ký dự tuyển ít, thậm chí không đăng ký tuyển dụng.
Ngoài ra, có sự chênh lệch về định mức tiết dạy/tuần của GV các bậc học, như tiểu học là 23 tiết, THCS là 19 tiết, THPT là 17 tiết. Do đó, phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường chọn tuyển dụng vào bậc THPT.
Đặc biệt, theo vị cán bộ này, do chưa có chính sách thu hút nên phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường chọn lựa môi trường hoạt động tự do hoặc đăng ký tuyển dụng vào các tổ chức, đơn vị thuộc loại hình tư thục để có được nguồn thu nhập cao.
Còn thiếu 696 GV mầm non
Năm học 2023 – 2024, TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng 1.207 GV mầm non. Tuy nhiên đến nay mới tuyển được 511 người. Hiện vẫn còn thiếu 696 GV mầm non, cần tuyển dụng tiếp. Thực tế cho thấy hiện nay, gần kết thúc học kỳ 1 năm học 2023 – 2024 nhưng nhiều nơi ở TP.HCM vẫn đang phải tuyển GV mầm non.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 4.1, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tình trạng thiếu GV trong các cơ sở giáo dục mầm non có một số nguyên nhân. Thứ nhất, số lượng sinh viên tốt nghiệp không đủ để tuyển, sinh viên chưa mặn mà đăng ký ngành giáo dục mầm non để tham gia học. Đồng thời, dù TP.HCM đã có chính sách thu hút đối với GV mầm non, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tại TP, nhất là GV ở tỉnh, phải thuê nhà.
Thúy Hằng
HÀNG LOẠT GIẢI PHÁP
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở đã xây dựng giải pháp trước mắt và lâu dài.
Trước hết, chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD-ĐT và hướng dẫn các phòng GD-ĐT tham mưu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động sắp xếp phân công nguồn nhân sự tại chỗ hoặc trong cụm chuyên môn bằng cách liên kết để chia sẻ GV thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn khi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học. Riêng đối với bộ môn âm nhạc, mỹ thuật và tin học, xem xét năng lực đội ngũ GV tiểu học, THCS có trình độ ĐH trở lên để phân công dạy THPT. Vì vậy hiện nay TP.HCM vẫn đảm bảo học sinh học đủ số môn học và số tiết học.
Đồng thời, tổ chức tuyển dụng viên chức linh động bằng nhiều hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận vào làm viên chức. Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chưa được Sở phân cấp tổ chức tuyển dụng chia làm nhiều đợt. Đợt 1, tổ chức thi tuyển viên chức hoặc tổ chức xét tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5.12.2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Nếu số tuyển dụng còn thiếu so với nhu cầu thì tổ chức tuyển dụng đợt 2 với hình thức xét tuyển hoặc tiếp nhận vào làm viên chức.
20 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc được Sở phân cấp tổ chức tuyển dụng và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thì tổ chức xét tuyển thường xuyên cho đến khi đủ nhu cầu tuyển dụng.
Trước thực tế thiếu nguồn tuyển dụng các môn năng khiếu như hiện nay, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Nội vụ trình xin ý kiến UBND TP xem xét về tiêu chuẩn trình độ đào tạo của chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với các trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật và tin học không thuộc ngành đào tạo GV. Hai sở này phối hợp trình UBND TP xem xét chỉ đạo thống nhất về thời gian chuyển công tác đối với viên chức và thời gian tổ chức tuyển dụng viên chức đợt 1 trong toàn TP.
Ngoài ra, xây dựng chế độ chính sách thu hút đối với các bộ môn thiếu GV nhiều năm liền do tuyển dụng không được. Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo để có chế độ thu hút sinh viên tham gia học các ngành nghề đang còn thiếu.
Nhiều chính sách đảm bảo điều kiện và môi trường thuận lợi để GV công tác
Theo thông tin từ ông Nguyễn Bảo Quốc, Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục tham mưu trình HĐND, UBND TP ban hành chính sách nhằm đảm bảo điều kiện và môi trường thuận lợi để GV công tác. Trong đó bao gồm: chính sách hỗ trợ giáo dục tiểu học; chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ để khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, GV tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục, từ đó có cơ hội hợp tác quốc tế một cách thực chất, hiệu quả; chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo (tôn vinh, khen thưởng nhà giáo) làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành GV, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề.