Tại Phiên thảo luận đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo trong nước và khu vực ASEAN đã chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm về quản trị tòa soạn số ở các quốc gia trong khu vực, đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm tối ưu hóa quản trị tòa soạn số.
Quản trị tòa soạn số – Hướng đi đúng đắn
Tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN”, nhà báo Trần Tiến Duẩn – Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhận định: “Ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất thông tin, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản và phân phối nội dung” – đó là hướng đi mà hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang xây dựng nhằm tạo nên một tòa soạn đa phương tiện hội tụ những giá trị của công nghệ, kỹ năng và thích ứng để mang lại những giá trị đột phá cho công chúng.
Về quản trị tòa soạn số, để các cơ quan báo chí bắt kịp với xu hướng của kỹ thuật số, các tòa soạn cần xây dựng một hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung (CMS) đủ mạnh để công nghệ số phát huy hiệu quả phục vụ báo chí, giúp những người làm báo trong thời đại công nghệ số giảm bớt những công việc lặp đi lặp lại mà tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo.
Đánh giá đúng tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ hơn 10 năm trước, trong sản xuất, khai thác thông tin, TTXVN đã đẩy mạnh việc xây dựng kho dữ liệu số hóa, ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài, dễ dàng tác nghiệp từ xa hay đầu tư sản xuất các loại hình đa phương tiện.
Đặc biệt, TTXVN chú trọng chiến lược Mobile First. Để nắm bắt xu hướng này, một số báo điện tử của TTXVN như VietnamPlus đã trình làng MiniApp trên nền tảng Zalo cùng bản Progressive WebApp, cho phép người dùng vào thẳng trang VietnamPlus trên phiên bản mobile bằng lối tắt thông qua icon trên màn hình điện thoại Android, thay vì phải vào trình duyệt. Đây là những bước đi nằm trong chiến lược ưu tiên cho thiết bị di động của báo điện tử nhằm tạo thuận lợi cho người dùng cũng như tăng cường khả năng tiếp cận công chúng một cách rộng rãi hơn.
Trình bày tham luận về “Trung tâm truyền hình thông tấn: Dấu ấn chuyển đổi số”, bà Hoàng Minh Nga – Trưởng phòng Quốc tế, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, TTXVN đã mô tả chi tiết quy trình sản xuất của hệ thống MAM – Media Access Management, là hệ thống quản lý media trong các đài truyền hình và các đơn vị sản xuất theo nghĩa hẹp. Tuy nhiên, do toàn bộ hoạt động ở đài truyền hình ít nhiều đều gắn với media nên với nghĩa mở rộng, MAM có thể được coi như là trung tâm của một hệ thống quản lý.
Sau thời gian khai thác, hệ thống MAM đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó so với các phần mềm khác đã được sử dụng ở đơn vị. Việc quản lý thông tin trên hệ thống theo mô hình khép kín từ tiền kỳ, hậu kỳ đến phát sóng. Sự khác biệt lớn nhất là mức độ bao sân của phần mềm. Không chỉ dừng lại ở một phần mềm quản lý media thông thường, hệ thống MAM đã mở rộng ra cho phép quản lý toàn bộ các công việc liên quan tới media.
Với việc sử dụng “duy nhất một cơ sở dữ liệu” cho toàn bộ quy trình sản xuất thông tin khép kín, Truyền hình Thông tấn đã giảm tối đa chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân lực, công khai, minh bạch và khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào sản xuất phát thanh truyền hình tại Việt Nam.
Giải pháp xây dựng tòa soạn số từ góc nhìn công nghệ
Trình bày tại hội thảo, PGS, TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng cần phải tính toán tới giải pháp xây dựng tòa soạn số từ góc nhìn công nghệ.
Cụ thể, theo PGS, TS Trần Quang Diệu, trong bối cảnh của cuộc cách mạng số, vấn đề tổ chức và quản lý hoạt động báo chí truyền thông đang trở thành vấn đề quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan báo chí. Một trong những khía cạnh quan trọng của hoạt động này là tổ chức và quản trị tòa soạn. Dưới tác động của công nghệ số, mô hình quản trị tòa soạn đã và đang thay đổi từ việc tổ chức sản xuất sản phẩm đến việc quản trị tòa soạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của của công chúng.
Nêu thực trạng mô hình quản trị tòa soạn ở Việt Nam hiện nay, ông Trần Quang Diệu cho biết, để xây dựng mô hình tòa soạn số, chúng ta cần hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí. Quá trình chuyển đổi số cơ quan báo chí thường được thực hiện thông qua 3 giai đoạn: Giai đoạn số hóa, giai đoạn tin học hóa và giai đoạn chuyển đổi số.
Theo đó, tại Việt Nam, các cơ quan báo chí đã chuyển đổi rất nhanh khi Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan báo chí truyền thông ở Việt Nam đã chuyển đổi sang môi trường số, số hóa các dữ liệu và tin học hóa các hoạt động.
Diễn giả cũng gợi ý, để thực hiện xây dựng mô hình tòa soạn số, một cơ quan báo chí truyền thông cần bảo đảm thực hiện tốt các yếu tố: Xây dựng văn hóa và chiến lược số; gắn kết độc giả; chuyển đổi và thay đổi và cải tiến quy trình; công nghệ và phân tích và quản lý dữ liệu. Trong đó, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng được môi trường văn hóa và xây dựng chiến lược số cho từng hoạt động của đơn vị, từ khâu quản lý tòa soạn đến khâu sản xuất sản phẩm và phát hành, xuất bản.
Ngoài ra, trong bối cảnh mới, việc gắn kết độc giả của một cơ quan báo chí cần được quan tâm hơn khi nào hết, đặc biệt trong bối cảnh “công chúng là trọng tâm – audience first”.
Một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của tòa soạn số là yếu tố công nghệ. Công nghệ trong bối cảnh này là sự lựa chọn phù hợp cho từng cơ quan báo chí thay vì chạy đua với công nghệ để xây dựng một tòa soạn đồ sộ với đầy đủ các thiết bị. Công nghệ tốt nhất là công nghệ thích ứng tốt nhất với sự phát triển của tòa soạn.
Ông Trần Quang Diệu cũng đưa ra các gợi mở để xây dựng thành công mô hình tòa soạn số, trong đó nhấn mạnh yếu tố đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện; ứng dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn; phát triển nội dung số; tổ chức tòa soạn theo hướng hội tụ công nghệ và nội dung và xây dựng tòa soạn số. Đặc biệt, diễn giả cho rằng cần cá nhân hóa và tùy biến sản phẩm báo chí truyền thông theo nhu cầu của công chúng.