Nhà giáo, sinh viên “ẵm” huy chương
Trở lại giảng dạy ngay khi cùng đồng đội xuất sắc giành huy chương vàng SEA Games 32 môn võ Vovinam, thầy giáo Lê Đức Duy – giáo viên thể dục, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) được học sinh vây quanh ngưỡng mộ, thăm hỏi.
Đây là kỳ SEA Games thứ 2 giáo viên này tham gia trong vai trò thành viên của đội tuyển Vovinam Việt Nam. Trước đó, thầy Lê Đức Duy đã thi đấu tại SEA Games 31 và cùng đồng đội giành huy chương bạc.
Sân chơi lớn đầu tiên mà giáo viên – vận động viên này tranh tài và giành huy chương vàng là Giải trẻ Vovinam toàn quốc năm 2002. Đây cũng là bước đệm để thầy Duy trở thành vận động viên chuyên nghiệp, chinh chiến các giải quốc gia, quốc tế, mang về nhiều huy chương vàng danh giá cho đội tuyển, như huy chương vàng thế giới năm 2009 và 2011; huy chương vàng châu Á năm 2018…
Kể về duyên với nghề, thầy Duy cho biết: “Năm học lớp 6, khi thấy anh trai tập luyện võ Vovinam, vì tò mò tôi xin ba mẹ học. Lúc đầu chỉ nghĩ học để vui nhưng rồi bị mê lúc nào không hay. Từ thời sinh viên, tôi bắt đầu tham gia các giải phong trào, rồi giải cấp quận, cấp thành phố, quốc gia…, trở thành vận động viên chuyên nghiệp, gắn bó đến bây giờ như một cơ duyên”.
Trong chặng đường vận động viên chuyên nghiệp, giáo viên này cho biết bản thân luôn được Ban giám hiệu Trường THPT Bùi Thị Xuân tạo điều kiện để hoàn thành tốt cả “2 vai” – giáo viên và vận động viên.
“Tôi thấy mình may mắn hơn các vận động viên chuyên nghiệp khác đó là ngoài gia đình, tôi còn có hậu phương vững chắc là học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh cổ vũ, động viên. Trong suốt thời gian tham gia thi đấu tại Campuchia, học trò, đồng nghiệp thường xuyên nhắn tin hỏi thăm. Đây là động lực để tôi luôn gắng tập luyện thi đấu, nhất là trong kỳ SEA Games lần này vì mục tiêu của cả đội là đổi màu huy chương so với kỳ trước” – thầy Lê Đức Duy chia sẻ.
Tại SEA games 32, nhiều giảng viên ĐH cũng đã tham dự với tư cách vận động viên và giành được huy chương.
Tham gia thi đấu nội dung chung kết tự vệ nữ thuộc bộ môn Vovinam, với phần thể hiện xuất sắc, giảng viên Nguyễn Thị Hoài Nương – Trường ĐH FPT, phân hiệu TPHCM cùng đồng đội đã mang về cho Việt Nam thêm 1 huy chương vàng.
Trước đó, cô Nương cũng đã cùng đồng đội xuất sắc giành được huy chương bạc nội dung đồng đội kỹ thuật căn bản hỗn hợp nam nữ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Nương chia sẻ, trong ngày thi đấu 8/5, nội dung quyền biểu diễn của Việt Nam chưa giành huy chương nào nên bản thân cô rất căng thẳng. Được các vận động viên cổ vũ nhiệt tình, sự khích lệ của ban huấn luyện viên nên cô và vận động viên Nguyễn Hoàng Dũ giảm đi phân nửa áp lực.
Hơn 20 năm kinh nghiệm tập luyện và thi đấu Vovinam chuyên nghiệp, giảng viên Hoài Nương đã giành nhiều thành tích cấp quốc gia, khu vực.
Cô giáo Nương chia sẻ, đến với công việc giảng dạy tại Trường ĐH FPT vì đam mê truyền đạt kỹ thuật và tinh thần võ đạo Vovinam đến các bạn trẻ. Tiếp xúc với sinh viên hàng ngày, không chỉ ở trên võ đường mà cả trong các hoạt động trải nghiệm với nữ vận động viên là niềm vui lớn.
Tuy vậy, việc cân bằng giữa công việc giảng dạy, thi đấu không dễ dàng bởi cường độ làm việc, tập luyện phải duy trì ở mức cao, thế nhưng cô luôn nhận được sự ủng hộ từ đồng nghiệp, sinh viên ĐH FPT để hoàn thành việc giảng dạy và thi đấu.
Đồng nghiệp của cô giáo Hoài Nương là giảng viên Vovinam – Nguyễn Quốc Cường cũng tạo dấu ấn với nội dung đòn chân tấn công tại SEA Games 32 và mang về tấm huy chương Bạc cho đội tuyển Việt Nam.
Nam vận động viên chia sẻ, tham gia SEA Games lần này anh được ban lãnh đạo nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện từ việc xếp lớp đến động viên tinh thần.
Huy chương vàng đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 là môn Karate với sự góp sức của sinh viên Nguyễn Thị Phương – Khoa Giáo dục Thể chất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngoài đóng góp về huy chương vàng đồng đội, sinh viên Nguyễn Thị Phương còn giành huy chương bạc kata cá nhân.
Được hưởng lương bậc tiến sĩ
TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT TPHCM cho biết giảng viên, sinh viên hệ thống FPT Edu đã đóng góp 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc cho đoàn Việt Nam tại SEA Games 32 đang diễn ra tại Campuchia.
Ông cho biết các đơn vị trong hệ thống giáo dục này đều đẩy mạnh giáo dục thể chất thông qua triển khai môn học Vovinam, tập hợp lực lượng lớn tới cả trăm nghìn môn sinh. Khối giáo dục giáo dục này đã lập cả một liên đoàn võ là thành viên của Liên đoàn Vovinam Việt Nam.
“Chúng tôi luôn ưu tiên để các giảng viên, sinh viên có thể tham gia thi đấu, thể hiện màu cờ sắc áo và mang vinh quang về cho đất nước”, ông Tùng cho hay.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo công việc ổn định, thu nhập tốt cho các vận động viên đang thi đấu hoặc giải nghệ, hệ thống giáo dục này “mở cửa” mời các vận động viên về giảng dạy, nâng cao thể chất cho người học.
Ông Tùng tiết lộ, mức thu nhập của những vận động viên đoạt huy chương vàng ở những giải đấu lớn được đảm bảo tương đương một tiến sĩ. Hệ thống này cũng đã gửi lời mời tới vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh về giảng dạy tại cơ sở ở Bắc Giang.
ThS Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, những giáo viên, giảng viên của cơ sở giáo dục được cử tham gia SEA games là một vinh dự cho nhà trường. Chính vì thế, nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần thi đấu cho các thầy cô.
Để động viên thành tích xuất sắc, Công đoàn Trường THPT Bùi Thị Xuân thưởng nóng cho thầy giáo đoạt huy chương vàng tại SEA games 5 triệu đồng.