Nỗi lo việc các tập đoàn lớn lâu đời có thể thất bại vì chậm đổi mới không diễn ra ở Mỹ mà còn ngược lại, theo Economist.
Tham dự bất kỳ hội nghị kinh doanh hoặc mở cuốn sách quản lý nào, chúng ta dễ bắt gặp thông điệp tương đối giống nhau. Đó là tốc độ thay đổi trong kinh doanh đang tăng tốc và không ai có thể an toàn.
Những đột phá gần đây về trí tuệ nhân tạo (AI) khiến nhiều tập đoàn khổng lồ hồi hộp chờ đợi sự tấn công của những tên tuổi non trẻ, như Goliath bất an trước David về viễn cảnh kiểu Kodak và Blockbuster – hai gã khổng lồ bị sụp đổ bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số.
“The Innovator’s Dilemma” – cuốn sách năm 1997 của chuyên gia quản trị Clayton Christensen – nhận xét rằng các công ty chiếm vị trí đứng đầu thường do dự trong việc theo đuổi các đổi mới căn bản giúp sản phẩm, dịch vụ của họ rẻ hơn hoặc tiện lợi hơn vì sợ sụt giảm lợi nhuận.
Với công nghệ tiến bộ nhanh chóng, điều đó tạo ra cơ hội cho những người mới, vốn không bị cản trở bởi những cân nhắc như vậy. Tuy nhiên, trong thời đại Internet, các doanh nghiệp lớn tại Mỹ lại ít bị tổn hại. Những gã khổng lồ lâu đời còn trở nên vững chãi hơn chứ không suy kém.
Từ Walmart đến Wells Fargo, 500 công ty lớn nhất nước Mỹ tính theo doanh thu trong danh sách Fortune 500 chiếm khoảng 20% việc làm, một nửa doanh thu và hai phần ba lợi nhuận. Economist đã xem xét độ tuổi của mỗi công ty, có tính đến các vụ sáp nhập và chia tách.
Kết quả, chỉ có 52 trong 500 công ty ra đời sau năm 1990 – dấu mốc đánh dấu cho kỷ nguyên Internet. Họ bao gồm Alphabet, Amazon và Meta, nhưng không phải Apple và Microsoft, vốn là hai gã khổng lồ công nghệ tuổi trung niên. Chỉ có 7 trong số 500 doanh nghiệp xuất hiện sau khi Apple trình làng chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007.
Trong khi đó, có đến 280 doanh nghiệp hình thành trước khi Mỹ tham gia Thế chiến thứ II. Trên thực tế, tốc độ xuất hiện những công ty lớn mới đang chậm lại. Năm 1990, có 66 công ty trong Fortune 500 có độ tuổi từ 30 trở xuống. Kể từ đó, độ tuổi trung bình đã tăng từ 75 lên 90.
Julian Birkinshaw, Giáo sư Chiến lược và Doanh nhân tại Trường Kinh doanh London giải thích rằng cuộc cách mạng kỹ thuật số không hoàn toàn mang tính cách mạng ở một số khu vực của nền kinh tế. Những ngành như truyền thông, giải trí và mua sắm đã được thay đổi hoàn toàn. Nhưng việc khai thác dầu từ lòng đất hay truyền tải điện thì không như vậy.
Những thất bại nổi bật như WeWork – một công ty chia sẻ văn phòng được quảng cáo nhiều nhưng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ; hay Katerra – công ty đã thử và thất bại trong việc tái định nghĩa ngành xây dựng bằng cách sử dụng các kết cấu đúc sẵn thậm chí còn làm nản lòng những ai có tham vọng đảo lộn các ngành công nghiệp truyền thống đó.
Một lý do khác là các nền tảng lâu đời đã tạo thời gian để những người đứng đầu thích nghi với các công nghệ số hóa. Ví dụ, 65% người Mỹ đang thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến nhưng gần như tất cả ngân hàng mà họ sử dụng đều có tuổi đời lâu năm. Tuổi trung bình của những ngân hàng trong danh sách Fortune 500, bao gồm JPMorgan Chase và Bank of America, là 138.
Ít hơn 10% người Mỹ đã chuyển đổi ngân hàng trong năm ngoái, theo công ty tư vấn Kearney. Điều này đã làm cho việc xây dựng quy mô cho các tay chơi tài chính mới trở nên khó khăn. Ngành bảo hiểm Mỹ cũng tương tự, được thống trị bởi các ông lớn già dặn như AIG và MetLife.
Mô hình này không phải chỉ có ở các dịch vụ tài chính. Walmart, nhà bán lẻ hùng mạnh nhất nước Mỹ từng bỏ lỡ sự phát triển của thương mại điện tử. David Glass, Chủ tịch công ty vào những năm 1990 dự đoán doanh số bán hàng trực tuyến sẽ không bao giờ vượt quá doanh số của siêu thị lớn nhất của họ.
Tuy nhiên, sức mạnh tài chính và lượng khách hàng khổng lồ của Walmart đã tạo cơ hội cho họ thay đổi hướng đi sau này. Hiện chỉ có Amazon bán hàng trực tuyến nhiều hơn họ ở Mỹ. Sự tăng trưởng gần đây của xe điện của Ford và General Motors, hai nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Mỹ, là ví dụ khác. Nguồn lực lớn cho phép họ chi mạnh tay cho cơ cấu lại hoạt động kinh doanh vào thời điểm việc huy động vốn ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với startup.
Lời giải thích thứ ba cho sự tồn tại lâu dài của các gã khổng lồ Mỹ lâu năm là lợi thế giàu có của họ tạo ra động lực riêng cho sự đổi mới. Joseph Schumpeter, nhà kinh tế học đã đặt ra cụm từ “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” trong quyển sách “The Theory of Economic Development” xuất bản năm 1911. Ông lập luận rằng tiến bộ kinh tế được thúc đẩy chủ yếu bởi những người mới tham gia thị trường.
Tuy nhiên, đến tác phẩm “Capitalism, Socialism and Democracy” năm 1942, ông thay đổi quan điểm. Trên thực tế, chính các công ty lớn – thậm chí là các công ty độc quyền – đã thúc đẩy sự đổi mới nhờ khả năng vung tiền vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và nhanh chóng kiếm tiền từ những đột phá bằng cách sử dụng các khách hàng và hoạt động hiện hữu. Vì vậy, tiến bộ được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi thường trực về việc bị lật đổ của các ông lớn.
Những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đưa ra một minh họa rõ nét. Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft đã đầu tư tổng cộng 200 tỷ USD vào hoạt động R&D năm ngoái, tương đương 80% tổng lợi nhuận của họ và 30% tổng chi tiêu R&D của các công ty niêm yết ở Mỹ.
Hay John Deere – công ty thiết bị nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ thành lập vào năm 1837 – đã đi đầu trong các cải tiến như máy kéo không người lái và máy phun thông minh sử dụng công nghệ máy học (machine learning) để phát hiện và nhắm mục tiêu cỏ dại.
Tham vọng của John Deere là làm cho hoạt động nông nghiệp hoàn toàn tự động vào năm 2030. Sau khi chiêu mộ các kỹ thuật viên bị sa thải từ Thung lũng Silicon, giờ đây họ tuyển dụng nhiều kỹ sư phần mềm hơn kỹ sư cơ khí.
Những gã khổng lồ và tân binh cũng thường đóng vai trò bổ sung cho nhau trong đổi mới. Nhà kinh tế học William Baumol đã viết vào năm 2002 về “sự cộng sinh David-Goliath” rằng những đột phá căn bản do các nhà đổi mới độc lập tạo ra và sau đó được củng cố bởi các công ty đã thành danh.
Một nghiên cứu năm 2020 của Annette Becker thuộc Đại học Kỹ thuật Munich và các tác giả đã chia chi tiêu cho R&D của một mẫu các công ty thành nghiên cứu mang tính khám phá và phát triển theo định hướng thương mại. Họ thấy rằng tỷ trọng của nghiên cứu càng giảm khi kích thước công ty càng lớn.
Tương tự, công trình năm 2018 của Ufuk Akcigit (Đại học Chicago) và William Kerr (Trường Kinh doanh Harvard) phát hiện các bằng sáng chế của các tập đoàn lớn ít táo bạo và tập trung hơn vào việc cải tiến sản phẩm và quy trình hiện có.
Sự phân công đó có thể giúp giải thích tại sao nhiều startup được các công ty lâu đời mua lại. Ví dụ như John Deere mua lại Blue River vào năm 2017 đã mang lại cho công ty công nghệ đằng sau máy phun cỏ thông minh, sau đó công ty có thể bán thông qua mạng lưới các nhà phân phối rộng lớn của mình.
Lời giải thích cuối cùng liên quan đến nhân khẩu học. Chuyên gia John Van Reenen của Trường Kinh tế London cho biết các công ty trẻ thường được xây dựng bởi những người trẻ tuổi. Nhưng từ năm 1980 đến năm 2020, tỷ lệ dân số Mỹ trong độ tuổi từ 20 đến 35 đã giảm từ 26% xuống 20%. Kéo theo đó, tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới cũng giảm từ 12% xuống 8% trong cùng giai đoạn.
Trong nghiên cứu năm 2019 so sánh sự khác biệt về tăng trưởng dân số và hình thành doanh nghiệp giữa các bang ở Mỹ, Fatih Karahan thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York kết luận rằng sự suy giảm trong tăng trưởng dân số chiếm 60% sự suy giảm hình thành doanh nghiệp mới 40 năm qua.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp mới ở Mỹ đã tăng vào cuối năm 2020 sau khi lao dốc trong những tháng đầu đại dịch. Đến nay, tăng trưởng số doanh nghiệp mới đã cao hơn trước Covid-19. Bùng nổ kinh doanh chủ yếu tập trung vào khách sạn và bán lẻ, vốn bị ảnh hưởng bởi Covid. Những người lạc quan hy vọng rằng làn sóng đầu tư gần đây vào các công ty khởi nghiệp AI có thể duy trì đà tăng trưởng này. Ngay cả khi điều đó xảy ra, các tập đoàn khổng lồ bấy lâu nay có thể vẫn thống trị.
Phiên An (theo The Economist)